Nhật Bản: Xu hướng tiết kiệm "dập tắt" hy vọng phục hồi kinh tế dựa vào tiêu dùng

15:25' - 02/05/2022
BNEWS Sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của nhiều người tiêu dùng Nhật Bản đã phản ánh một xu hướng đáng lo ngại - "thắt lưng buộc bụng" - ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng phục hồi nền kinh tế.

Cô Maiko Takahashi, sống ở khu vực ngoại ô phía Bắc Tokyo (Nhật Bản) cho biết, trước đây cô không bao giờ phải để ý đến việc chắt chịu các đồng xu lẻ hay để cho ba đứa con của mình mặc đồ cũ mà người khác cho, dù thu nhập của gia đình cô phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng và ở mức khá khiêm tốn.

Tuy nhiên, hiện nay cô đành phải thoải mái với việc mặc lại quần áo cũ và quan tâm nhiều đến các chương trình khuyến mãi và tìm cách giảm thiểu chi phí càng nhiều càng tốt. Cô Takahashi chia sẻ: “Tôi bắt đầu chú ý đến các mẹo vặt như giảm số lần mở tủ lạnh để tiết kiệm điện".

Sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của cô Takahashi và nhiều người tiêu dùng khác đã phản ánh một xu hướng đáng lo ngại - "thắt lưng buộc bụng" - ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng phục hồi nền kinh tế Nhật Bản.

Cơn sốt “mua sắm/tiêu dùng trả thù” (revenge spending) là thuật ngữ mô tả mọi nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng mạnh mẽ vốn đã bị dồn nén trong những tháng ngày giãn cách xã hội hay phong tỏa. Đây chính là yếu tố đã thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 tại các nước như Mỹ và Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã đặt nhiều kỳ vọng vào sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng sau khi dỡ bỏ những hạn chế phòng dịch vào tháng Ba.

Tuy nhiên, với giá năng lượng, thực phẩm và các chi phí sinh hoạt khác đều tăng cao, lạm phát trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây do đồng yen giảm mạnh và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, những hy vọng đó đang tan biến nhanh chóng.

Đối mặt với viễn cảnh giá cả tăng cao, người tiêu dùng Nhật Bản đang tìm cách tiết kiệm hết mức có thể ngay cả khi họ đang nắm giữ khoảng 50.000 tỷ yen (383 tỷ USD) - tương đương 9% nền kinh tế. Đây là khoản tiền mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) gọi là khoản "tiết kiệm bắt buộc" được tích lũy trong giai đoạn đại dịch.

Các nhà kinh tế cho biết, sau khi chính phủ kêu gọi doanh nghiệp tăng lương cho người lao động, một số công ty lớn đã áp dụng song mức tăng lương khoảng 2% không thể bù đắp tốc độ tăng giá của mọi thứ, từ bột mỳ, tã lót và bia. Trong khi đó, vào tháng Ba, giá điện ở Nhật Bản đã tăng 22% so với năm 2021 - mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm trở lại đây.

Trong báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế mới nhất, Chính phủ Nhật Bản vẫn hy vọng vào sự phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng, song thừa nhận rằng cơ hội bùng nổ “mua sắm trả thù” đang ngày càng nhỏ hơn.

Với hơn 90% người tiêu dùng trả lời khảo sát dự đoán hàng hóa thiết yếu sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong 12 tháng tới, các nhà kinh tế cho biết không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người tiêu dùng hành động như cô Takahashi.

Bên cạnh việc nhận những bộ đồng phục đã qua sử dụng cho con trai mình khi đi học mẫu giáo và tìm kiếm các chương trình khuyến mãi, cô Takahashi cho biết cô đã lựa chọn các nhãn hiệu tư nhân (PB - hàng hóa do các nhà bán lẻ sản xuất và phân phối) thường có giá rẻ hơn với một số sản phẩm như sốt mayonnaise, sốt cà chua và các thực phẩm khác.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Intage, thị phần các nhãn hiệu tư nhân trên thị trường tiêu thụ mayonnaise đã tăng từ 18% vào đầu năm lên 22% trong tháng Ba. “Người khổng lồ” bán lẻ Aeon ghi nhận doanh số bán thực phẩm PB tăng 15% trong 6 tháng tính đến tháng 2/2022.

Toru Suehiro, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty chứng khoán Daiwa Securities, nhận xét Tuần lễ Vàng (kỳ nghỉ lễ lớn với nhiều ngày liên tiếp trong đầu tháng Năm) năm nay là kỳ nghỉ đầu tiên trong ba năm không có các hạn chế phòng dịch COVID-19 và nền kinh tế sẽ chứng kiến sự cải thiện đáng kể trong chi tiêu tiêu dùng, nhưng giai đoạn này cũng có thể là mức đỉnh của năm nay. Tác động toàn diện của lạm phát cao sẽ xuất hiện trong quý III-IV năm nay.

Theo JTB Corp, công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản, số lượng khách du lịch dự kiến sẽ tăng khoảng 70% so với năm ngoái, nhưng con số này vẫn chỉ tương đương 2/3 so với mức trước đại dịch.

Việc đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ là điểm cộng dành cho các du khách nước ngoài đến du lịch tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa mở cửa biên giới với khách du lịch. Năm 2019, Nhật Bản đón gần 32 triệu lượt khách du lịch nước ngoài.

Mặt khác, đồng yen yếu đã gây tác động tiêu cực cho rất nhiều công ty, làm tăng chi phí đầu vào và khiến chủ doanh nghiệp khó có thể đưa ra quyết định tăng lương cho nhân viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục