IMF lo ngại đồng yen mất giá có thể cản trở đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản

10:06' - 25/04/2022
BNEWS Một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại về khả năng việc đồng yen mất giá nhanh có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, ông Ranil Salgado, Giám đốc Quốc gia IMF tại Nhật Bản, cho rằng việc đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua so với đồng bạc xanh của Mỹ vào tuần trước phản ánh quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng trong lúc các ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế chủ chốt khác đang thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, BoJ sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện nay cho đến khi đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát lên 2% bởi vì lạm phát sẽ giảm trở lại một khi giá cả hàng hóa nhập khẩu giảm.

 

Trong tháng Ba, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Nhật Bản tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong hơn 2 năm qua, nhưng vẫn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 2% của BoJ. Vì vậy, trong cuộc họp chính sách vào các ngày 27-28/4 tới, nhiều khả năng BoJ sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ của mình.

Theo ông Salgado, việc đồng yen mất giá nhanh do sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và các nền kinh tế chủ chốt khác “có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu trong nước cũng như hoạt động thương mại”.

Kể từ đầu tháng Ba tới nay, đồng yen đã liên tục giảm giá so với đồng bạc xanh của Mỹ. Hôm 20/4, tỷ giá giữa hai đồng tiền đã vượt ngưỡng 129 yen/USD, tăng gần 15 yen so với thời điểm đầu tháng 3/2022. Việc đồng yen giảm giá có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản bởi vì, nó làm tăng lợi nhuận thu được từ hoạt động xuất khẩu khi quy đổi ra đồng yen và làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn trong khi Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu năng lượng và nhiều nguyên liệu khác. Giá cả năng lượng và nhiều nguyên liệu này đã tăng cao sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ở Nhật Bản phải đối mặt với cú sốc kép về giá.

Tuần trước, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản trong năm 2022 từ mức 3,3% trước đó xuống còn 2,4%, với lý do giá dầu thô tăng tác động tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân và đầu tư.

Ông Salgado nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản có thể sẽ thấp hơn nữa nếu xung đột quân sự Nga-Ukraine leo thang, đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc hoặc/và xuất hiện các loại biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 khiến Chính phủ nước này phải hạn chế các hoạt động kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục