Nhiệt độ các đại dương vẫn ở mức nóng nhất trong lịch sử

19:38' - 18/01/2021
BNEWS Trong năm 2020, nhiệt độ trong các đại dương trên thế giới vẫn ở mức nóng nhất trong lịch sử.

Theo nghiên cứu do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc vừa công bố, mặc dù lượng phát thải khí CO2 trên toàn cầu giảm do các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng trong năm 2020, nhiệt độ trong các đại dương trên thế giới vẫn ở mức nóng nhất trong lịch sử.

Nghiên cứu cho thấy so với năm 2019, 2.000 mét trên mặt đại dương của Trái Đất đã hấp thụ lượng nhiệt lớn hơn, đủ để đun sôi 1,3 tỷ ấm đun nước siêu tốc với mỗi ấm chứa 1,5 lít nước. Sự gia tăng nhiệt độ này là nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng nhiệt độ kỷ lục tại các đại dương trên toàn cầu.

Ông Cheng Lijing, tác giả chính của nghiên cứu này, cho hay sự nóng lên của đại dương là chỉ số quan trọng để xác định mức độ biến đổi khí hậu vì hơn 90% lượng nhiệt trên toàn cầu nằm ở các đại dương, tuy nhiên do phản ứng chậm trễ của các đại dương trước tình trạng Trái Đất nóng lên, xu hướng nóng lên của các đại dương sẽ tồn tại ít nhất là trong nhiều thập kỷ.

Ông Cheng cho biết thêm nhiệt độ tại các đại dương trên thế giới vẫn tiếp tục tăng hồi năm ngoái, bất chấp sự suy giảm lượng phát thải khí CO2 trên toàn cầu do các biện pháp phong tỏa ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Cũng theo nghiên cứu trên, trong 8 thập kỷ qua, nhiệt độ tại các đại dương trên thế giới ở thập kỷ sau đều nóng hơn so với thập kỷ trước đó. Ảnh hưởng do sự nóng lên của các đại dương đã được thể hiện qua sự xuất hiện của nhiều cơn bão và những cơn mưa cực lớn.

Để ứng phó với tình trạng nhiệt độ nóng lên tại các đại dương, ông Cheng đã kêu gọi thế giới nghiên cứu nhiều hơn nữa về vấn đề này. Ông nhấn mạnh bất kỳ hoạt động hoặc thỏa thuận nào nhằm giải quyết vấn đề Trái Đất nóng lên cũng phải gắn liền với thực tế rằng các đại dương đã hấp thụ một lượng nhiệt rất lớn và sẽ tiếp tục hấp thụ năng lượng dư thừa trên Trái Đất.

Nghiên cứu nêu trên do 20 nhà khoa học từ 13 viện nghiên cứu ở Trung Quốc, Mỹ và Italy thực hiện và được công bố trên tạp chí quốc tế Advances in Atmospheric Sciences hồi đầu tuần này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục