Nhiều bất ổn "rình rập" kinh tế châu Âu

10:25' - 03/12/2018
BNEWS Giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài từ năm 2013 tới nay tại Liên minh châu Âu (EU) đứng trước nguy cơ bị “đứt đoạn”, khi EU phải đối phó với một loạt những rủi ro nội tại lẫn bên ngoài.

Việc những rủi ro đó hiện hữu như thế nào sẽ quyết định quá trình hồi phục kéo dài 5 năm của kinh tế EU và giúp kiến tạo 9,5 triệu việc làm có thể kéo dài thêm một thời gian nữa không hay “lục địa già” sẽ sớm mất đà đi lên?

Nhiều bất ổn đe dọa kinh tế châu Âu. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Nhiều yếu tố bất ổn vẫn “rình rập”

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của 19 quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong quý III/2018 đã giảm xuống còn 0,2% so với quý trước đó. Một số chuyên gia cho rằng, đó là một sự suy giảm tự nhiên sau khi nền kinh tế khối này ghi nhận mức tăng trưởng cao 0,7% trong năm ngoái nhờ hoạt động thương mại phát triển mạnh.

Nhưng sự quan ngại đã gia tăng sau khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức đã suy giảm 0,2% trong quý III vừa qua. Sự đi xuống này phần lớn có thể do các “đại gia” sản xuất ô tô như Daimler và Volkswagen chậm nhận được chứng nhận xe ô tô phù hợp theo các quy tắc quy định mới về khí thải.

Tuy nhiên, việc hoạt động xuất khẩu suy giảm cũng giữ một vai trò trong việc kéo kinh tế Đức đi xuống. Diễn biến này đặt ra câu hỏi về những tác động nào từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng những bất ổn như Brexit có thể xảy ra với nhiều nhà xuất khẩu của châu Âu.

Theo nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding thuộc ngân hàng Berenberg, rủi ro lớn nhất đối với EU là cuộc xung đột giữa Chính phủ dân túy Italy với Ủy ban châu Âu về vấn đề ngân sách của nước này.

Roma muốn chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực an sinh xã hội, trong khi EU muốn nước này giảm thâm hụt ngân sách và tuân thủ các quy định về tài chính của khu vực Eurozone.

Điều nguy hiểm là nếu Chính phủ Italy tiếp tục muốn nâng mức thâm hụt ngân sách, chi phí vay mượn của nước này sẽ tăng lên đến mức không bền vững và Roma sẽ không thể trả nợ với mức lãi suất phải chăng.

Ông Schmieding nhận định Italy đang là "nguy cơ nghiêm trọng nhất” đối với khu vực Eurozone. Chuyên gia này dự báo một cuộc khủng hoảng tài chính có thể bùng nổ vào năm tới tại Italy. Nhưng cũng có nhiều khả năng nước này sẽ chống đỡ được cho đến khi một cuộc suy thoái mới có thể xảy ra vào năm 2021 làm bộc lộ những điểm yếu của nền kinh tế này.

Tiếp đến là vấn đề Brexit. Ngày 25/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo 27 nước thành viên EU đã chấp thuận Thỏa thuận rút khỏi EU và Tuyên bố Chính trị về quan hệ tương lai Anh - EU.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude phát biểu với báo giới bày tỏ sự tiếc nuối về việc nước Anh rời khỏi khối và gọi đây là "một bi kịch", song ông tin tưởng Chính phủ Vương quốc Anh sẽ thông qua dự thảo Brexit.

Các quan chức châu Âu đang chờ đợi để xem liệu Thủ tướng Theresa May có thể thúc đẩy Nội các nước Anh thông qua thỏa thuận về một “cuộc li hôn” có trật tự với EU. Theo kế hoạch, Quốc hội Vương quốc Anh dự kiến sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận sơ bộ về Brexit trước Giáng Sinh 2018.

Nếu thỏa thuận bị Quốc hội Anh từ chối, “xứ sở sương mù” có thể sẽ rời khỏi “mái nhà chung” EU vào tháng 3/2019 mà không có mối quan hệ thương mại ổn định với đối tác thương mại lớn nhất của họ là EU.

Viễn cảnh này có thể dẫn đến việc tái lập các biện pháp thuế quan và kiểm tra biên giới đối với hoạt động thương mại trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm giữa nước Anh và EU.

Cờ Liên minh châu Âu (EU) (bên dưới) và Quốc kỳ Anh tại London (Anh) ngày 25/3/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một báo cáo hồi tháng Tám, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của 27 nước thành viên còn lại thuộc EU sẽ giảm khoảng 1,5% cho tới năm 2030, nếu Vương quốc Anh quay lại áp dụng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong quan hệ kinh tế, thương mại với EU.

Thêm vào đó, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế quan lên hơn 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã trả đũa đối với các biện pháp thuế quan của Washington. Diễn biến này đã khiến hoạt động thương mại toàn cầu tăng chậm lại và châu Âu cũng đang bị ảnh hưởng bởi những xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà kinh tế Carsten Brzeski tại ngân hàng ING chi nhánh Đức cho biết một cuộc chiến thương mại chính thức và toàn diện hoàn toàn có thể dễ dàng đẩy nền kinh tế Eurozone tới bờ vực suy thoái.

Chặng đường phía trước không lạc quan

Tình hình tại Eurozone hiện chưa tới mức bi đát. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này hiện ở mức 8,1%, tiếp tục giảm từ mức đỉnh hơn 12% ghi nhận năm 2013, trong bối cảnh các nước thành viên tiếp tục hồi phục sau cuộc khủng hoảng nợ đã đe dọa Eurozone hồi năm 2011-2012.

Nhưng tương lai của nền kinh tế châu Âu có thể sẽ không thật lạc quan. Trong báo cáo kinh tế mới nhất của Ủy ban châu Âu, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone được dự báo sẽ hạ từ mức 2,4% trong năm 2017, xuống 2,1% năm nay và 1,9% trong năm tới, thấp hơn một chút so với mức dự báo trước đó. Con số trên sau đó dự kiến sẽ giảm xuống 1,7% vào năm 2020.

Tương tự, nhịp độ tăng trưởng bình quân của toàn bộ 27 nước thành viên EU (trừ Vương quốc Anh) cũng chung xu hướng suy giảm khi đạt 2,1% năm nay, rồi hạ xuống 2% trong năm 2019 và 1,9% năm 2020.

Tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã tăng lên trên 2% trong quý III/2018, chủ yếu do giá năng lượng tăng. Do chi phí năng lượng tăng, dự báo lạm phát của khu vực này trong năm 2018 và 2019 đã được điều chỉnh lên 1,8%, cao hơn mức 1,7% trong dự báo trước đó. Con số trên sau đó dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,6% vào năm 2020, phản ánh sự suy giảm trong hoạt động kinh tế ở Eurozone.

Trong khi đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ngân hàng này vẫn duy trì kế hoạch chấm dứt chương trình kích cầu thông qua mua trái phiếu quy mô lớn vào cuối năm nay. Tính tới hiện tại, ECB đã “rót” khoảng 2.600 tỷ euro (2.950 tỷ USD) vào hệ thống tài chính Eurozone kể từ năm 2015 nhằm nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế và đưa tỷ lệ lạm phát của khu vực này đi lên.

Nhưng ông Draghi cũng đưa ra những chỉ dấu rằng ECB có thể trì hoãn lần tăng lãi suất đầu tiên, dự kiến vào khoảng sau tháng 9/2019, nếu tình hình nền kinh tế khu vực diễn biến xấu đi.

>>>Xung quanh thỏa thuận về tương lai mối quan hệ EU và Anh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục