Nhiều cơ hội hợp tác với Ai Cập trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí, đóng tàu

12:22' - 01/11/2022
BNEWS Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Cairo về công tác ngoại giao thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã và đang tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tại địa bàn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước. Đó là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Cairo về công tác ngoại giao kinh tế.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh Việt Nam và Ai Cập có rất nhiều tiềm năng hợp tác, nhất là những lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Ngoài cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Ủy ban Hỗn hợp liên chính phủ, hai bên cũng thúc đẩy cơ chế hợp tác chuyên sâu đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp.

 

Tháng 8/2021, phiên họp lần thứ hai Tiểu ban Hợp tác thương mại và công nghiệp Việt Nam-Ai Cập đã được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến nhằm thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh thương mại thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đại sứ quán và Cơ quan Thương vụ đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động tại địa bàn, trong đó tập trung vào 3 hướng hoạt động chính. Thứ nhất, tăng cường hoạt động kết nối, trao đổi trực tuyến giữa các bộ, ngành hai nước trong các lĩnh vực hợp tác cùng quan tâm như nông nghiệp, phát triển đô thị, giao thông vận tải, đóng tàu, giáo dục đại học và đào tạo cán bộ.

Thứ hai, tập trung thúc đẩy hợp tác với các địa phương Ai Cập có tiềm năng và thế mạnh thông qua các chuyến thăm và làm việc tại các thành phố lớn như Cairo, Alexandria, Port Said, Damietta. Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức như Liên đoàn các phòng thương mại Ai Cập (FEDCOC) triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, trong đó các diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tại Alexandria và Cairo năm nay đã thu hút sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng cho biết thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Ai Cập không chỉ là các mặt hàng như nông sản, thủy sản, sản phẩm chế biến từ cao su và gỗ, mà còn là công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Ai Cập quan tâm như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí, đóng tàu, chế tạo thiết bị điện dân dụng và công nghiệp. Một thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới Arab với dân số trên 100 triệu người này là nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng khá lớn.

Mặc dù vậy, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng cho rằng hợp tác thương mại hai nước vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước do một số khó khăn. Thứ nhất, hai nước có nhiều sản phẩm tương đồng, nhất là về nông nghiệp, trong khi những loại trái cây đặc trưng của Việt Nam như thanh long, vải, nhãn, chôm chôm, xoài, dừa… chưa đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường Ai Cập.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ yếu xuất khẩu nông sản thô hoặc sơ chế, nên giá trị xuất khẩu không cao và chưa tạo lập được thương hiệu tại thị trường bạn. Khó khăn thứ hai là chính sách bảo hộ sản xuất trong nước và kiểm soát nhập khẩu của Ai Cập thông qua các biện pháp thuế quan và phi thuế quan.

Ai Cập áp thuế nhập khẩu khá cao đối với nhiều loại mặt hàng thành phẩm, trong khi hai nước chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA), nên nhiều mặt hàng của Việt Nam gặp bất lợi khi cạnh tranh về giá với hàng hóa của các nước và khu vực đã ký FTA với Ai Cập như Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), các nước thuộc khối Arab.

Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan như quy định bắt buộc đăng ký nhà máy xuất khẩu sang Ai Cập cũng gây không ít khó khăn và phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn chưa chủ động trong việc tiếp cận và tìm hiểu thị trường, thị hiếu ở Ai Cập và các nước Bắc Phi, chưa đầu tư kinh phí cần thiết cho hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm tại địa bàn này để từng bước xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Ai Cập cũng như các nước Bắc Phi nói riêng và châu Phi nói chung.

Về đầu tư, doanh nghiệp Việt còn thiếu kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài, nhiều thủ tục trong nước chưa thật sự thông thoáng cho hoạt động đầu tư ra bên ngoài. Một hạn chế khác là cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập khá nhỏ, không có doanh nghiệp lớn nên thiếu vắng sự hỗ trợ cần thiết trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại hàng Việt Nam tại thị trường bạn.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ USD, nhưng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ai Cập mới lần đầu tiên vượt mốc 600 triệu USD. Do đó, hai nước cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa trong những lĩnh vực hợp tác trọng điểm cũng như xem xét, tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng nêu rõ năm 2023, Việt Nam và Ai Cập sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là một cột mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế theo các định hướng đã nêu trên, Đại sứ quán cũng chú trọng và chủ động kết nối các doanh nghiệp hai nước, tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại do các đơn vị trong nước chủ trì tổ chức, phát huy vai trò của Lãnh sự Danh dự của Việt Nam tại các địa bàn kiêm nhiệm như CH Sudan và Liban để quảng bá du lịch cũng như xúc tiến thương mại và đầu tư.

Đại sứ quán sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại địa bàn tăng cường thu thập thông tin từ các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp sở tại, tìm hiểu thị trường và môi trường kinh doanh-đầu tư, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm từng bước tháo gỡ các vướng mắc hiện nay trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch với Ai Cập và các nước kiêm nhiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục