Nhiều điều kiện kinh doanh vô lý cần được loại bỏ

16:40' - 03/06/2017
BNEWS Điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những giải pháp quản lý doanh nghiệp của cơ quan Nhà nước, đây cũng là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp tới việc tham gia thị trường của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều điều kiện kinh doanh vô lý, hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, cũng như ảnh hưởng tới chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của quốc gia. 

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh trong hai lĩnh vực Giao thông Vận tải và Công thương: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 3/6.

Nhiều bất cập

Điều kiện đầu tư kinh doanh là những điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng theo quy định của luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành nghề đã quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Nhiều điều kiện kinh doanh vô lý cần được loại bỏ. Ảnh minh họa: TTXVN

Điều kiện đầu tư kinh doanh được cụ thể thông qua một hoặc một số hình thức như giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm,…

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia Ban Pháp chế, VCCI cho biết, hiện nay có 243 ngành nghề nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện, trong đó có 29 ngành nghề thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải và 28 ngành nghề thuộc quản lý của Bộ Công thương.

Đây cũng là hai lĩnh vực có nhiều phản ánh của doanh nghiệp về những bất cập trong việc áp dụng các điều kiện kinh doanh.

Dẫn chứng trong lĩnh vực giao thông vận tải, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng chỉ ra, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu trong phương án kinh doanh được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt mới có thể hoạt động.

Điều này vô hình chung đã trực tiếp loại bỏ đến 70% doanh nghiệp vận tải nhỏ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn chiếm giữ thị trường, làm giảm cơ hội lựa chọn dịch vụ của khách hàng. Trong khi đó, không có cơ sở nào cho thấy doanh nghiệp có nhiều phương tiện hơn thì chất lượng dịch vụ tốt hơn và an toàn hơn khi tham gia giao thông.

Nghị định 86/2014/NĐ-CP cũng cho thấy có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể trong cùng một điều kiện. Cụ thể, cùng một phương tiện giao thông là ô tô nhưng niên hạn tham gia giao thông ở đô thị loại đặc biệt là 8 năm, trong khi đó niên hạn ở các địa phương khác lên tới 12 năm.

Các doanh nghiệp vận tải cho rằng, đây là điều kiện hết sức vô lý, vì không có quy định nào hạn chế việc di chuyển của các phương tiện giao thông giữa các địa phương. Như vậy, nếu doanh nghiệp đăng ký phương tiện ở địa phương khác nhưng đưa đến các đô thị đặc biệt lưu thông hoặc ngược lại thì có ảnh hưởng gì, vi phạm gì hay không?

Về điều kiện doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có đủ diện tích đất làm bãi đỗ xe, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, điều kiện này không thể thực thi tại Tp. Hồ Chí Minh, vì thành phố chưa có quy hoạch diện tích dành cho bãi đỗ xe cho các doanh nghiệp. Trên thực tế, để lách luật, các doanh nghiệp vận tải phải làm các hợp đồng “ma” về thuê bãi đỗ xe để có đủ điều kiện kinh doanh.

Thêm vào đó, việc quy hoạch giới hạn số lượng phương tiện giao thông trên một địa bàn là không khoa học, vì số lượng phương tiện giao thông sẽ tùy theo nhu cầu thực tế của thị trường, của người sử dụng dịch vụ giao thông chứ không thể áp đặt theo tư duy của những người quản lý.

Ngoài các, các điều kiện về “giấy phép con” sau khi đã có giấy phép kinh doanh như thủ tục đăng ký cấp phù hiệu cho phương tiện; doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển phải có bộ phận pháp chế để giải quyết các tranh chấp, kiện tụng được cho là không cần thiết, không ảnh hưởng đến các lợi ích công của xã hội nhưng lại khiến doanh nghiệp tốn kém rất nhiều về thời gian, chi phí và bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.

Ở lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý, đại diện VCCI liệt kê những điều kiện kinh doanh bất hợp lý như yêu cầu về quy mô, vốn của doanh nghiệp  hoặc can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Điển hình như Nghị định 19/2016 NĐ-CP về kinh doanh khí, quy định doanh nghiệp phải có 100.000 vỏ bình ga loại 12kg mới đủ điều kiện kinh doanh.

Để trang bị đủ số lượng vỏ bình ga đó, doanh nghiệp cần ít nhất 25 tỷ đồng, trong khi ở một số địa phương, nhu cầu thực tế chỉ khoảng 10.000 – 20.000 bình ga.

Các doanh nghiệp phân tích, nếu thực hiện điều kiện này sẽ xảy ra hai trường hợp, thứ nhất doanh nghiệp trang bị đủ số lượng quy định nhưng nhu cầu thị trường không cần đến, một lượng lớn bình ga (là tài sản) sẽ bị lưu kho; thứ hai là các doanh nghiệp không đủ tài chính trang bị vỏ ga sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, một vài doanh nghiệp lớn sẽ kiểm soát thị trường tạo ra sự độc quyền. Cả hai trường hợp này đều gây ra thiệt hại về mặt kinh tế, đi ngược lại với quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và cuối cùng chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm cũng đề cập đến một số quy định về điều kiện kinh doanh mang tính chất “vòng tròn” như kiểu muốn đăng ký làm tổng đại lý một ngành hàng nào đó thì phải có ít nhất 20 đại lý phân phối, nhưng các đại lý phân phối lại chỉ được ký hợp đồng với tổng đại lý đã có đủ điều kiện.

Theo đó, doanh nghiệp không biết phải đáp ứng điều kiện nào trước, điều kiện nào sau và không thể thực hiện được nếu không tự mình mở ra 20 đại lý phân phối rồi làm tổng đại lý.

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay một số điều kiện kinh doanh đang can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp, đi ngược lại với Luật Doanh nghiệp như phê duyệt phương án kinh doanh hay yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hợp đồng kinh tế, thành lập các bộ phận trong doanh nghiệp… 

Cần có giải pháp cụ thể trong xây dựng các điều kiện kinh doanh

Kinh doanh luôn đi kèm với các các điều kiện nhất định, đó là quy luật tất yếu được các doanh nghiệp thừa nhận. Tuy nhiên, làm thế nào để những điều kiện đó có thể giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hoạt động kinh doanh và vẫn tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là bài toán mà những người làm chính sách cần đưa ra lời giải.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, mong muốn lớn nhất của người kinh doanh là được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên việc ban hành các điều kiện kinh doanh mang tính loại trừ đã tạo ra không ít rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng, những người làm chính sách xem xét, đánh giá lại toàn bộ những điều kiện kinh doanh đã ban hành, đồng thời có cơ chế kiểm soát và ràng buộc trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân ban hành các điều kiện kinh doanh vô lý, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Cường, chủ trương của Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, tạo ra tài sản cho xã hội. Trên cơ sở đó, các điều kiện kinh doanh phải được ban hành dựa trên quan điểm khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp vừa và nhỏ “lớn lên” chứ không phải là công cụ để bảo hộ cho sự độc quyền của các doanh nghiệp nhỏ hay vì lợi ích của một nhóm người trong xã hội.

Bên cạnh đó, để tránh việc ban hành vô tội vạ các điều kiện kinh doanh phi lý, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì cần phải xem xét đến các điều kiện để ban hành điều kiện kinh doanh.

“Hiện nay, phần lớn điều kiện kinh doanh được ban hành bởi một bộ, ngành và mang tính áp đặt, các doanh nghiệp hoặc là phải đáp ứng, hoặc là bị loại. Do đó, cần phải nâng cao cơ sở pháp lý của việc quy định điều kiện kinh doanh từ cấp Nghị định lên Pháp lệnh hoặc phải có sự xem xét, thảo luận công khai giữa cơ quan quản lý với đối tượng bị chi phối về mức độ khả khi, sự phù hợp, tính minh bạch trước khi ban hành.” – Luật sư Nguyễn Văn Cường nêu giải pháp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, hiện nay có hiện tượng lạm dụng các tiêu chí về điều kiện kinh doanh. Việc đưa ra nhiều điều kiện không đồng nghĩa với việc lĩnh vực kinh doanh đó được kiểm soát tốt hơn và hạn chế được rủi ro hay đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.

Do đó, cần phải loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phục vụ cho lợi ích công, đồng thời chú trọng vào chất lượng của các điều kiện. Đơn cử như việc áp đặt các điều kiện về quy mô, số lượng phương tiện, thiết bị cần được thay thế bởi những quy định về việc đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, sự an toàn của sản phẩm và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Về phía các doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh

nghiệp là những những người chịu tác động trực tiếp từ các điều kiện kinh doanh, do đó, khi phát hiện những điểm bất cập, vô lý thì doanh nghiệp phải kịp thời phản ánh và mạnh dạn lên tiếng một cách trực tiếp hoặc thông qua hiệp hội ngành nghề.

Có như vậy mới đảm bảo các chính sách, quy định về điều kiện kinh doanh được phản biện đa chiều, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục