BNEWS
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định, đến hết tháng 7/2019, tổng số nợ của các đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 183 tỷ đồng.
Trong đó, nợ dưới 1 tháng trên 75 tỷ đồng; nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng 3,6 tỷ đồng; nợ từ 3 tháng đến 6 tháng gần 14 tỷ đồng; nợ từ 6 tháng trở lên hơn 61 tỷ đồng và nợ khó thu trên 30 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm cho người lao động với số tiền lớn, kéo dài như: Công ty cổ phần may Nam Hải nợ trên 2,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây lắp I Nam Định nợ 2,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Nam Định nợ 1,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần COMA 19 nợ 1,3 tỷ đồng; Hợp tác xã cơ khí hóa chất dịch vụ Toàn Thắng nợ 1,1 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng phòng khai thác và thu nợ - Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định cho biết, nguyên nhân tình trạng nợ bảo hiểm xã hội tại Nam Định có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số
doanh nghiệp có ý thức chấp hành chưa tốt quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ đơn vị bỏ trốn cao...
Theo ông Hùng, ngành Bảo hiểm thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất với các doanh nghiệp có số nợ từ 3 tháng trở lên; đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống các đơn vị để đôn đốc thu.
Hàng quý, ngành Bảo hiểm gửi danh sách những đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên đề nghị các cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định, song một số doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, né tránh, vì vậy công tác thu nợ gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định đã hoàn thiện gửi danh sách các doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội sang Liên đoàn Lao động tỉnh để tiến hành khởi kiện nợ đọng bảo hiểm xã hội theo luật định.
Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp lý nên đến nay vẫn chưa có vụ khởi kiện nào được đưa ra xét xử…
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại Nam Định ký kết hợp đồng lao động với người lao động chỉ mang tính hình thức. Nhiều đơn vị có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chủ sử dụng lao động không quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Mặt khác, hiện nay quy định mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng và chế tài xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến doanh nghiệp cố tình chây ỳ để chiếm dụng vốn.
Ông Nguyễn Lương Ba, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định thông tin, để hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng năm 2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tăng cường thanh tra các đơn vị có số nợ từ 3 tháng trở lên để đôn đốc thu nợ.
Bảo hiểm xã hội phối hợp với các ngành liên quan lập danh sách khởi kiện ra tòa đối các đơn vị có số nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, kiên quyết mạnh tay xử lý với những trường hợp tái diễn hoặc cố tình chây ỳ./.