Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay

18:07' - 30/08/2016
BNEWS Theo Bộ Công thương, hiện có 3 cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó là: vốn, trình độ nguồn nhân lực và công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

 Ngày 30/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Giải pháp tài chính để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập". Sự kiện thu hút mối quan tâm của đại diện nhiều bộ, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Các đại biểu đã trao đổi, lưu ý một số vấn đề đáng quan tâm, tình hình của một số ngành trước làn sóng hội nhập quốc tế. Đơn cử, ngành nông nghiệp sẽ đối diện với cả thách thức và cơ hội; trong đó, ngành chăn nuôi, sản xuất sữa và các sản phẩm sữa sẽ chịu tác động tích cực, các doanh nghiệp sản xuất thủy sản lại có nhiều lợi thế và phát huy được tiềm năng về công nghệ, năng lực sản xuất để tham gia thị trường quốc tế.

Tương tự, các ngành/lĩnh vực khác cũng đứng trước vận hội hoặc thách thức có tính chất riêng biệt, với yêu cầu cụ thể khác nhau…

Ông Phạm Ngọc Anh, Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ngân hàng VP Bank) giới thiệu một số giải pháp và chủ trương thu xếp vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Đơn vị này cũng hướng tới mục tiêu sẽ phục vụ khoảng 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa vào năm 2018 và sẽ trở thành đối tác tốt của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức cho vay, ưu tiên thỏa đáng cho phương thức vay tín chấp để chia sẻ với doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cũng nêu những khó khăn, hạn chế của mình; trong đó, có vấn đề thiếu vốn đầu tư cho công nghệ, dây chuyền sản xuất trong bối cảnh sẽ càng phải cạnh tranh mạnh mẽ với hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài; đặc biệt là hàng của ASEAN và các nước thành viên TPP.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp cận các dịch vụ tư vấn, lập dự án có tính chất chuyên nghiệp từ các chuyên gia, tổ chức tín dụng theo chuẩn quốc tế để có thế nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay kết hợp với sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Theo Bộ Công thương, hiện có 3 cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó là: vốn, trình độ nguồn nhân lực và công nghệ.

Việc chỉ có 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn qua kênh ngân hàng, nguyên nhân chính được chỉ ra đó là do hiện nay hầu hết các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, không đủ tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính không minh bạch đầy đủ.

Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phối hợp tháo gỡ các nút thắt, chủ động hợp tác giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế quản lý và xác lập tỷ lệ lãi suất hợp lý…để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp.

Ông Quyền Anh Ngọc, Vụ chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội đến từ sự đồng hành của các định chế tài chính để các ngân hàng thấy được ngành nghề nào có lợi thế khi hội nhập để có những ưu tiên trong việc dành nguồn tài chính cho lĩnh vực đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh trung hạn và dài hạn hợp lý, chuyển đổi về quy mô hay về nhóm sản phẩm để dành nguồn tài chính cho doanh nghiệp mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục