Ngư dân Khánh Hòa vẫn khó tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67

06:33' - 27/08/2016
BNEWS Sau 2 năm thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP, số ngư dân ở Khánh Hòa tiếp cận được nguồn vốn để đóng mới, cải hoán tàu cá vẫn còn rất ít so với mục tiêu đề ra.
Cải hoán, nâng cấp tàu cá ở Khánh Hòa. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Sau 2 năm thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (25/8/2014 – 25/8/2016), số ngư dân ở Khánh Hòa tiếp cận được nguồn vốn để đóng mới, cải hoán tàu cá vẫn còn rất ít so với mục tiêu đề ra.

Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang từ khi triển khai Nghị định 67/NĐ-CP, các thành viên trong nghiệp đoàn đã làm 12 hồ sơ xin vay vốn để đóng tàu cá vỏ thép, composite.

Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc, nhất ở khâu giải ngân nên nhiều ngư dân đã dừng vay vốn và hiện chỉ còn 2 hồ sơ xin vay vốn.

Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Vĩnh Thọ cho biết, nếu vay từ 2 - 3 tỷ đồng, ngân hàng dễ chấp thuận hơn, nhưng chừng đó chỉ đủ cải hoán tàu.

Còn vay từ 5 - 7 tỷ đồng, ngân hàng rất ngại do lo ngư dân không có khả năng trả nợ, trong khi đóng một tàu cá bằng vật liệu mới cần tối thiểu 7 tỷ đồng.

Ngư dân Khánh Hòa có nhu cầu đóng mới tàu công suất lớn để làm nghề câu cá ngừ đại dương, chụp mực và lưới vây.

Theo kế hoạch, đến 31/12/2016 tỉnh Khánh Hòa đóng mới 160 tàu, 15 tàu dịch vụ hậu cần từ nguồn vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP.

Đến nay, tỉnh đã phê duyệt cho ngư dân vay vốn đóng mới 42 tàu cá.

Tuy nhiên, do vướng mắc trong khâu giải ngân vốn nên mới chỉ có 5 tàu cá được đóng mới hạ thủy, 2 tàu cải hoán.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, việc có ít ngư dân đóng tàu mới theo Nghị định 67/NĐ-CP là do phía ngân hàng còn quá chặt chẽ trong khâu xét duyệt thủ tục cho ngư dân vay vốn.

Bên cạnh đó, số vốn vay để đóng tàu mới rất lớn nên ngư dân thận trọng, nhất là khi nghề đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn.

Ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa hiện đang tiếp tục tuyên truyền chính sách vay vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP và hỗ trợ ngư dân làm thủ tục, hồ sơ vay vốn; đồng thời tổ chức sắp xếp lại mô hình tổ, đội để sản xuất trên biển hiệu quả hơn.

Theo đó, tỉnh đã sắp xếp được 40 tổ, đội sản xuất trên biển và có quy chế hoạt động chặt chẽ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục