Nhiều doanh nghiệp ký kết tiêu thụ dừa hữu cơ cho nông dân

08:10' - 11/01/2021
BNEWS Toàn tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa hơn 23.000 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Tiểu Cần và Càng Long, với sản lượng cho trái gần 578.000 tấn /năm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, thực hiện chương trình nâng cao chuỗi giá trị cây dừa Trà Vinh, đến nay nhiều hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đã được nhiều doanh nghiệp ký kết phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và thu mua dừa trái cho nông dân.
Cụ thể, các doanh nghiệp như: Công ty cổ Phần Trà Bắc đã ký kết cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 300 ha tại huyện Tiểu Cần và ký kết thu mua thu mua nguồn nguyên liệu cơm dừa cùng Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lợp, xã Hùng Hòa huyện Tiểu Cần.
Công ty cổ phần chế biến dừa Á Châu cũng đang tiến hành đánh giá chứng nhận 221 ha dừa hữu cơ của 202 hộ nông dân tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre cũng đang tiến hành khảo sát, đánh giá chứng nhận diện tích hơn 760 ha dừa hữu cơ của nông dân trong huyện Càng Long. Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới cũng đang ký kết cùng nông dân xã Long Đức, thành phố Trà Vinh xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 150 ha.
Ông Huỳnh Khắc Nhu, Tổng Giám đốc Công ty cổ Phần Trà Bắc cho biết, phương châm sản xuất kinh doanh của công ty là luôn hướng đến chất lượng sản phẩm cao nhất. Vì vậy, việc công ty xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, ký kết cùng hợp tác xã thu mua dừa là mong muốn chủ động ngay từ đầu về nguồn nguyên liệu chất lượng, vừa giúp nông dân ổn định đầu ra vừa tăng thêm thu nhập so với việc trồng dừa bình thường và bán theo phương cách trôi nổi.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lợp Huỳnh Đăng Khoa, khi doanh nghiệp ký kết cùng hợp tác xã thu mua nguyên liệu dừa trái cả 3 bên: doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cùng có lợi.
Cụ thể, hợp tác xã vừa quản lý chất lượng dừa trái hữu cơ và làm đầu mối thu mua có lợi nhuận; nông dân trồng dừa hữu cơ được mua với giá cao hơn từ 10 – 20 % so với dừa trồng bình thường, doanh nghiệp khi thu mua từ hợp tác xã giảm được nguồn chi phí thu gom, vận chuyển từ 3.000 – 3.500 đồng/chục (12 trái).
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích trồng dừa hơn 23.000 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Tiểu Cần và Càng Long, với sản lượng cho trái gần 578.000 tấn /năm; trong đó, có 1.294 ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 5.000 ha dừa hữu cơ tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục