Nhiều giải pháp hướng tới kho bạc số

17:58' - 28/09/2024
BNEWS Kho bạc Nhà nước sẽ xây dựng và triển khai 2 phân hệ đầu tiên của Hệ thống thông tin ngân sách, kế toán nhà nước số...

Kho bạc Nhà nước cho biết để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu trở thành kho bạc số, trong giai đoạn 2024-2026, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện Kho bạc điện tử; nâng cấp và mở rộng kho dữ liệu thống kê, đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính… 

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước cũng sẽ xây dựng và triển khai 2 phân hệ đầu tiên của Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số; nghiên cứu, ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.

 

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025, do đó, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước theo đúng lộ trình thực hiện chiến lược phát triển. Xây dựng, hoàn thiện theo thẩm quyền các quy trình, nghiệp vụ của hệ thống, lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng.

Đến nay 100% thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp để mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại. 

Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước cũng đã kết nối dịch vụ công trực tuyến với phần mềm kế toán của các đơn vị sử dụng ngân sách giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị này. Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, đã có trên 24.000 đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện kết nối phần mềm kế toán với dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, đạt xấp xỉ 25% số đơn vị (97.000 đơn vị) đã tham gia kết nối với Kho bạc Nhà nước.

Hiện Kho bạc Nhà nước cũng đã hoàn thành triển khai thanh toán tự động các khoản chi dịch vụ điện, nước, viễn thông do các đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền, ước tính giúp giảm tới hơn 90.000 hồ sơ giao dịch mỗi tháng, tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động cho các bên tham gia thực hiện. Kho bạc Nhà nước cũng tiếp tục thực hiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình với cơ quan thuế, hải quan…

Trong kiểm soát chi đầu tư, từ thành công khi triển khai Hệ thống quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua Kho bạc Nhà nước trên phạm vi cả nước từ năm 2022, đến nay, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện liên thông hệ thống này với Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc và Hệ thống thanh toán điện tử đáp ứng quy trình liên thông trong kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Tại các địa phương, việc chuyển đổi số của ngành kho bạc còn được Kho bạc Nhà nước thực hiện hết sức nghiêm túc. Kho bạc Nhà nước Hà Nội cho biết, đơn vị đã cung cấp 11/11 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến các đơn vị sử dụng ngân sách. Kho bạc Nhà nước Hà Nội cũng thực hiện thành công Chương trình thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung và quy trình liên thông giữa các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến – TABMIS – Thanh toán điện tử với ngân hàng, tạo bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến…

Kho bạc Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh, các đơn vị thuộc và trực thuộc cũng đã đẩy mạnh thực hiện số hóa 100% hồ sơ kiểm soát chi, cải tiến quy trình làm việc nhằm nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo Kho bạc Nhà nước việc chuyển đổi số, tiến tới kho bạc số còn một số khó khăn trong việc thực hiện, chẳng hạn như mức độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ giữa các đơn vị phối hợp tại địa phương, còn khó khăn về cơ sở dữ liệu…

Trong năm 2023, tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt chiếm 0,069% so với tổng thu ngân sách nhà nước (giảm 0,091% so với năm 2022); số chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt chiếm 0,097% so với tổng chi ngân sách nhà nước (giảm 0,263% so với năm 2022). Dự báo, những con số này sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2024 nhờ nhiều nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành Kho bạc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục