Nhiều hệ lụy từ “cuộc chiến” thuế quan
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng phát động “cuộc chiến” thuế quan ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ 2 thể hiện quyết tâm giải quyết các vấn đề về an ninh, kinh tế và thương mại nước Mỹ đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc chiến tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy, tác động trực tiếp tới chính nền kinh tế số 1 thế giới và toàn cầu, đi kèm với những rủi ro cũng như phản ứng tiêu cực từ các đối tác quốc tế.
Tổng thống Donald Trump đã thể hiện quan điểm không ngần ngại phát động “thương chiến” với các đồng minh và đối tác thương mại của Mỹ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa, phản ánh chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" mà ông theo đuổi xuyên suốt hai nhiệm kỳ tổng thống. Một trong những lý do chính là hiện thực hóa các cam kết trong chiến dịch tranh cử nhằm bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh từ nước ngoài. Việc áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ khuyến khích người tiêu dùng Mỹ ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động Mỹ. Tổng thống Trump coi thuế quan là công cụ hiệu quả để giảm thâm hụt thương mại với các đối tác lớn của Mỹ như Mexico, Canada và Trung Quốc. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định rằng việc Chính quyền Tổng thống Trump áp các mức thuế bổ sung với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước không đơn giản chỉ là vấn đề kinh tế, mà đó là “một mũi tên trúng nhiều đích”.
Trước tiên, với hai quốc gia láng giềng Mexico và Canada, Nhà Trắng coi đó là đòn bẩy, là biện pháp gia tăng áp lực cần thiết để ép các đối tác phải có hành động cương quyết hơn trong vấn đề xử lý tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy tổng hợp fentanyl vào Mỹ, qua đó giúp tăng cường an ninh biên giới – một trong những ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của nhà lãnh đạo Mỹ. Áp thuế với hàng hóa từ các nước đồng minh như Canada và Mexico cũng phát đi thông điệp mang tính răn đe rằng không quốc gia nào được quyền miễn trừ trong chiến lược “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump. Việc Washington ngày 3/2 tuyên bố tạm hoãn áp thuế 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada trong vòng 1 tháng là minh chứng sắc nét cho thấy Nhà Trắng đã “chính trị hóa” cuộc chiến thuế quan như thế nào, khi quyết định này được đưa ra ngay sau khi hai quốc gia láng giềng chấp nhận nhượng bộ và cam kết triển khai các biện pháp nhằm trấn áp hoạt động nhập cư trái phép, tăng cường an ninh biên giới và ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy xuyên quốc gia.
Với Trung Quốc, cuộc chiến thuế quan lại là một lát cắt trong ván cờ cạnh tranh nước lớn và kiềm tỏa sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh. Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh thực thi những chính sách thương mại bất bình đẳng, bảo hộ quá mức các doanh nghiệp trong nước, nhất là các ngành công nghệ cao, góp phần làm gia tăng thâm hụt thương mại song phương lên mức gần 400 tỷ USD, gây thiệt hại cho cạnh tranh thương mại của Mỹ và đe dọa trực tiếp tới ảnh hưởng, vị thế của nước này trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy, gây tác động tiêu cực đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ và chắc chắn sẽ kéo theo các hành động áp thuế “ăn miếng trả miếng” từ phía các đối tác thương mại. Theo tờ Thời báo New York, tăng thuế nhập khẩu sẽ nhanh chóng làm gia tăng giá hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ, gây thêm áp lực lên túi tiền của người dân trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức khá cao như hiện nay. Nếu Mỹ áp mức thuế tới 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada - hai nguồn cung cấp chính các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như trái cây, rau quả, ngũ cốc, thịt và đường - có thể dẫn đến một cơn bão giá tại các siêu thị Mỹ. Chuyên gia Joshua P. Meltzer, thành viên cao cấp trong chương trình Phát triển và Kinh tế Toàn cầu tại Viện Brookings, cho rằng mức thuế trên sẽ gây thiệt hại cho cả ba nền kinh tế thành viên Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), hiệp định thương mại thế hệ mới thay thế NAFTA.
Theo ông Meltzer, một cuộc chiến thuế quan sẽ khiến tăng trưởng GDP của Mỹ sụt giảm 0,25 - 0,3%, trong khi mức thiệt hại tăng trưởng của Mexico và Canada sẽ lên tới 1,15%. Giáo sư Kinh tế Joseph Stiglitz tại Đại học Columbia, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế, cũng cảnh báo cuộc chiến thuế quan sẽ gây phương hại cho chính nền kinh tế số 1 thế giới, làm chậm tăng trưởng kinh tế và gây tổn thương cho người lao động Mỹ. Giá tiêu dùng leo thang có thể khiến tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng thêm 1,3% trong năm 2025. Chiến tranh thương mại sẽ làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và khiến nhiều công ty trì hoãn kế hoạch đầu tư. Theo Thời báo Phố Wall, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng cuộc chiến thuế quan có thể khiến tăng trưởng GDP Mỹ giảm khoảng 0,3 - 0,5% mỗi năm trong giai đoạn cao điểm. Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn. Điều đó có thể buộc họ phải tăng giá bán sản phẩm hoặc giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều công ty Mỹ phụ thuộc vào linh kiện từ Trung Quốc sẽ phải tìm nguồn thay thế với chi phí cao hoặc chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác, làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn vừa mới ổn định lại sau đại dịch COVID-19.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng sẽ chịu tác động không nhỏ. Trong phiên giao dịch ngày 3/2, trước khi Tổng thống Trump tuyên bố hoãn áp thuế bổ sung với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, các mã chứng khoán chủ chốt tại Sàn Giao dịch New York và Sàn Chứng khoán Nasdaq đã liên tiếp giảm điểm, các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn. Chốt phiên giao dịch ngày 3/2 trên thị trường phố Wall, chỉ số Dow Jones giảm 122,75 điểm (0,28%) xuống 44.421,91 điểm; chỉ số S&P 500 để mất 45,96 điểm (0,76%), về còn 5.994,57 điểm; chỉ số Nasdaq Composite “bốc hơi” 235,49 điểm (1,2%), đóng phiên tại 19.391,96 điểm.
Trong khi đó, ông Marcus Noland, Phó Chủ tịch điều hành của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cảnh báo điều nguy hiểm hơn đó là cuộc chiến thuế quan mà Tổng thống Trump phát động sẽ châm ngòi cho các đòn trả đũa tương tự của Mexico, Canada, Trung Quốc và các đối tác tiềm tàng khác của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU). Ngày 4/2, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhất định của Mỹ từ ngày 10/2 nhằm đáp trả mức thuế mới mà Chính quyền Tổng thống Trump áp với hàng hóa Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này cũng đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trước đó, cả Canada và Mexico cũng đều tuyên bố sẵn sàng có hành động trả đũa chính sách thuế mới của Washington. Chuyên gia kinh tế Mark Zandi tại hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cảnh báo nếu cuộc chiến thuế quan leo thang, với những hành động “ăn miếng trả miếng” mất kiểm soát giữa các nền kinh tế, nguy cơ về một cuộc đại suy thoái là không thể loại trừ.
Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thuế quan xuất phát từ mong muốn bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ, thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế. Tuy nhiên, đường lối này đang gây tranh cãi và tiềm ẩn nhiều hệ lụy đáng quan ngại. Nhiều chuyên gia cảnh báo đây sẽ là cuộc chiến “lợi bất cập hại” và có thể sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào một vòng xoáy bất ổn mới.
Tin liên quan
-
Tài chính
Thuế quan có thể “đóng sập” khả năng Fed giảm lãi suất trong năm 2025
10:54' - 05/02/2025
Theo các chuyên gia kinh tế, các biện pháp thuế quan mới của Mỹ có thể đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ không được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vay trong năm nay.
-
Chứng khoán
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm sau khi Mỹ hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada
17:18' - 04/02/2025
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 4/2 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hoãn áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước láng giềng Canada và Mexico.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Sự phát triển AI ở Đông Nam Á: Cuộc chơi phức tạp
06:30'
Dưới sự đổ bộ của dòng vốn và công nghệ, sự phát triển AI ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với một cuộc chơi phức tạp liên quan đến những thách thức về mặt cấu trúc và những cơ hội lịch sử.
-
Phân tích - Dự báo
Thái Lan dẫn đầu thị trường xe điện ASEAN: Cờ đã đến tay?
05:30'
Thái Lan có chuỗi cung ứng ô tô toàn diện nhất trong khu vực, cung cấp ô tô cho cả thị trường xe tay lái thuận và nghịch ở ASEAN. Nhưng năm 2024, ngành ô tô Thái Lan đã trải qua giai đoạn suy giảm.
-
Phân tích - Dự báo
Kinh tế tầm thấp: Mặt trận chiến lược mới của Trung Quốc
06:30' - 16/03/2025
15 thành phố của Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, đã công bố sáng kiến chung nhằm thiết lập một hệ sinh thái kinh tế tầm thấp với mục tiêu phát triển 100 dự án vào năm 2025.
-
Phân tích - Dự báo
Kho báu khoáng sản và ước mơ độc lập của Greenland
05:30' - 16/03/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị mua lại đảo Greenland của Đan Mạch. Ông tuyên bố, nếu bị từ chối, sẽ áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này.
-
Phân tích - Dự báo
Châu Phi và nỗi lo thiếu hụt tài trợ nước ngoài
06:30' - 15/03/2025
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố tình trạng thiếu hụt tài trợ cho châu Phi, khu vực vốn đang ngập trong những khoản nợ cũ và bối cảnh địa chính trị bất lợi.
-
Phân tích - Dự báo
An ninh năng lượng trong kỷ nguyên AI và biến động địa chính trị
05:30' - 15/03/2025
Trong một kỷ nguyên của nhu cầu năng lượng do AI thúc đẩy, các mối đe dọa mạng và những liên minh địa chính trị thay đổi, đảm bảo an ninh năng lượng trở thành ưu tiên đối với mọi quốc gia.
-
Phân tích - Dự báo
Sự phát triển AI ở Đông Nam Á: Cuộc chơi phức tạp
06:30' - 14/03/2025
Đông Nam Á đang ở thời điểm quan trọng của quá trình công nghiệp hóa AI. Đầu tư cơ sở hạ tầng của những "gã khổng lồ" công nghệ đã trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế của khu vực.
-
Phân tích - Dự báo
Đằng sau động thái tư nhân hóa của Tập đoàn Hàng không quốc gia Malaysia
05:30' - 14/03/2025
Tập đoàn Hàng không quốc gia Malaysia, điều hành toàn bộ các sân bay trong nước, bao gồm cả sân bay quốc tế Kuala Lumpur, đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán từ năm 1999.
-
Phân tích - Dự báo
Rào cản đối với năng lượng hạt nhân của Nhật Bản
06:30' - 13/03/2025
Môi trường trong nước của Nhật Bản hiện rất thuận lợi cho việc phát triển tầm nhìn về năng lượng hạt nhân, sau khi những lo ngại liên quan tới thảm họa hạt nhân Fukushima vào năm 2011 dần tan biến.