Nhiều học sinh tại Đà Nẵng chưa được trang bị sách giáo khoa

20:42' - 29/08/2021
BNEWS Ngày 29/8, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, nhiều học sinh hiện nay vẫn chưa được trang bị sách giáo khoa và đồ dùng học tập.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và thông tin từ các công ty sách cho thấy, hiện nay chỉ có khoảng 60% học sinh đã mua sách giáo khoa mới và 50% học sinh đã mua đồ dùng học tập.

Trước tình hình này, Sở Giáo dục và  Đào tạo cũng đã báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng về việc sau khai giảng năm học, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, UBND thành phố xem xét cho phép các công ty sách, các nhà sách được hoạt động, cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập… cho học sinh theo hình thức shipper giao hàng hoặc tổ dân phố mua giúp, nhằm đảm bảo cho học sinh sớm có sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học mới.

Về kế hoạch triển khai kế hoạch dạy học trong 2 tuần đầu sau khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đề nghị các trường chủ động thực hiện việc dạy học trực tuyến trong 2 tuần đầu.

Trong đó, nội dung học trực tuyến chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức cũ nên học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa của năm học trước. Sau thời gian ôn tập, khi giáo viên giới thiệu chương trình mới để học sinh làm quen thì học sinh có thể bước đầu tiếp cận sách giáo khoa qua địa chỉ website https://hanhtrangso.nxbgd.vn.

Ngoài vấn đề sách giáo khoa, Bà Lê Thị Bích Thuận cho biết, bước vào năm học mới 2021-2022, ngành giáo dục thành phố cũng gặp không ít khó khăn như nhiều trường học đang được thành phố trưng dụng làm cơ sở cách ly y tế; một số cán bộ, giáo viên, học sinh là F0, F1.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng nêu rõ, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy - học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sở cũng đã chỉ đạo các trường khảo sát tình hình học sinh (về sách giáo khoa, đồ dùng học tập, trang phục, điều kiện học trực tuyến…) để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các em, cũng như báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền hỗ trợ học sinh trong việc học trực tuyến.

Riêng với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến (điều kiện về máy móc, đường truyền, là F0 đang điều trị, F1 đang cách ly tập trung…), các trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình; hướng dẫn giáo viên (đặc biệt là giáo viên lớp 1, lớp 2) gửi bài giảng, bài tập đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… để phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.

Giáo viên cũng có thể gửi tài liệu giấy để hướng dẫn học sinh học tập (khi điều kiện cho phép). Những em học sinh này khi đi học lại sẽ được khảo sát, đánh giá kỹ để có hình thức hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các em theo kịp chương trình.

Theo bà Thuận, ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các trường học báo cáo số lượng giáo viên đang ở các địa phương khác không thể về Đà Nẵng kịp năm học mới hoặc là F0 đang được điều trị, các trường hợp đang cách ly tập trung hoặc đang ở khu vực cách ly y tế để chủ động xử lí.

Các trường vẫn phân công nhiệm vụ để giáo viên nhận lớp và tổ chức dạy - học trực tuyến theo hướng dẫn; những giáo viên nào không đảm bảo các điều kiện dạy trực tuyến thì nhà trường chủ động bố trí dạy thay theo đúng các yêu cầu về chuyên môn.

Ngoài ra, Sở cũng đã đề nghị UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố quan tâm, ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ giáo viên và nghiên cứu việc tiêm vaccine cho học sinh đủ điều kiện nhằm đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh khi việc dạy - học được tổ chức trực tiếp tại trường.

Đến nay, giáo viên mầm non và phổ thông của toàn thành phố Đà Nẵng có 9.546 người (chiếm 46,52%) được tiêm vaccine, trong đó có 8.421 người (chiếm 41,06%) đã tiêm 2 mũi./.

>>Tham mưu bổ sung sách giáo khoa vào mặt hàng thiết yếu, tạo điều kiện vận chuyển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục