Nhiều khu vực cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm

17:14' - 10/04/2025
BNEWS Thời điểm đầu tháng 4/2025 này, thời tiết nắng nóng gay gắt và nhiệt độ tăng cao so với trước, các khu rừng đặc dụng khô hạn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Ông Nguyễn Phước Thành, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 1 khu vực đang có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp V và nhiều khu vực đang có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp IV.

Theo đó, khu vực rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười là khu vực đang có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh.

Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười có diện tích hơn 1.000 ha, chủ yếu rừng tràm, tiếp giáp lộ giao thông, mực nước thấp hơn mặt đất rừng, có hoạt động khai thác tràm; vật liệu cháy khô có khả năng cháy lớn.

Tại khu vực rừng hiện chịu nắng nóng hơn 37 độ C, nhiều vật liệu khô dưới chân tán rừng rất dễ cháy. Nếu xảy ra cháy cự kỳ nguy hiểm khó dập tắt lửa. Chi cục  Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp dự báo cấp cháy rừng cực kỳ nguy hiểm để khu vực đề phòng.

Ông Nguyễn Phước Thành, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, ngoài khu vực có nguy cơ cháy rừng ở mức cấp V ở trên, có 3 đơn vị chủ rừng dự báo cháy cấp IV cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn.

Tại huyện Tam Nông là Vườn quốc gia Tràm Chim, khu vực dự án Hồ rừng trên các tuyến đê, khu vực Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Tại hyện Tháp Mười có rừng tràm Khu di tích Gò Tháp và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959. Tại huyện Tân Hồng có rừng phòng hộ biên giới Dinh Bà.

Đa số các rừng là tràm và cây bạch đàn tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp, vật liệu cháy khô có khả năng cháy lớn; có nơi tiếp giáp lộ giao thông, mực nước thấp hơn mặt đất rừng, có hoạt động khai thác tràm; vật liệu cháy khô có khả năng cháy lớn.

Qua khảo sát thực địa hiện trạng rừng, ông Nguyễn Phước Thành, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, lượng vật liệu cháy hiện có độ ẩm thấp, dễ cháy. Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đề nghị các chủ rừng nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là chủ quan, chủ động bơm nước, duy trì độ ẩm, thường xuyên kiểm tra, vận hành, bảo dưỡng trang thiết bị chữa cháy, đảm bảo máy chữa cháy luôn hoạt động tốt.

Các chủ rừng chủ động bố trí lực lượng ứng ứng trực 24/24 tại Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng, trạm chốt, đài quan sát; tập trung vào các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để phát hiện cháy sớm, tổ chức chữa cháy kịp thời theo phương châm bốn tại chỗ. Tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, gây cháy rừng.

Để chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng mùa khô năm 2025. Kiểm tra các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và quy định hiệu lệnh khi có cháy xảy ra; công tác tuyên truyền, gắn các bảng cấm lửa, cấm xâm nhập rừng; làm sạch thực bì để cản lửa; tổ chức tuần tra theo dõi ở những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; công tác trực phòng cháy chữa cháy 24/24 giờ của các chủ rừng trong mùa khô …

Tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 11.000 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, hơn 6.000 ha diện tích đất có rừng. Tỉnh có 10 đơn vị, chủ rừng, phân bố trên địa bàn 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh.

Trong khi đó, tại Vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) cũng đang cảnh báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm. Đại diện Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2025, nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài.

Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến trên lâm phần Vườn quốc gia U Minh Thượng, mực nước ngầm trong than bùn giảm nhanh và ở rừng tràm trên đất sét khô kiệt, nguy cơ cháy rừng cao. Đặc biệt, dự báo thời điểm đầu tháng 5/2025, toàn bộ diện tích rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng có thể ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.

Theo đó, thời điểm đầu tháng 4/2025 này, thời tiết nắng nóng gay gắt và nhiệt độ tăng cao so với trước, các khu rừng đặc dụng khô hạn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trên các đê bao, tuyến đường giao thông trong khu rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia U Minh Thượng có nhiều vật liệu dễ cháy, nhiều khu vực đã dự báo cấp cháy cấp IV, cấp nguy hiểm. Cụ thể, cấp nguy hiểm rất dễ xảy ra cháy rừng lớn ở cấp IV khoảng 57 ha trên các tuyến đê bao rừng đặc dụng, cảnh báo cấp cao có khả năng dễ cháy rừng ở cấp III khoảng 1.924 ha và cảnh báo cấp trung bình có khả năng cháy rừng ở cấp II hơn 2.470 ha.

Ông Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết, Vườn quyết liệt, tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn cao điểm mùa khô. Cụ thể là rà soát lại phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời bổ sung các điều kiện cần thiết, cấp bách, giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế từng khu vực lâm phần, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng cháy, chữa cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Vườn tổ chức 100% lực lượng tham gia ứng trực tại các điểm, chốt 24/24 giờ để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng có thể xảy ra. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Vườn tăng cường tuần tra, kiểm soát chống người xâm nhập vào rừng trái phép; phối hợp với lực lượng kiểm lâm liên huyện chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, Vườn quốc gia U Minh Thượng theo dõi chặt chẽ thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, thông báo nhanh chóng, kịp thời đến các địa phương và cư dân làng rừng biết để cảnh giác cháy, sử dụng lửa cẩn thận, an toàn, chủ động tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm lâm luật, không vào rừng trái phép…

Lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh Thượng cho hay, nhiều khu vực trên lâm phần hiện nay dự báo cấp cháy cấp IV, cấp nguy hiểm. Vườn thực hiện đóng cửa rừng, tạm ngưng các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và câu cá giải trí trong khu rừng đặc dụng của Vườn quốc gia từ ngày 10/4/2025 để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Vườn quốc gia U Minh Thượng nằm trên địa bàn 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích tự nhiên hơn 8.500 ha; trong đó, rừng đặc dụng trên 8.000 ha, còn lại là rừng phòng hộ.

Từ đầu mùa khô đến nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng triển khai ứng dụng SMART, sử dụng phần mềm SMART Mobile cho các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng. Các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Vườn tổ chức hơn 1.170 cuộc tuần tra, kiểm soát các đối tượng vi phạm vào rừng trái phép, thu giữ và phá hủy 12 công cụ bẫy bắt động vật rừng, tháo gỡ 1 cá thể tê tê Java bị thương, lắp đặt nhiều poachercam để ghi nhận các hoạt động xâm nhập vào rừng trái phép.

Vườn xác định phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trong mùa khô năm 2025 là hơn 4.733 ha để bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chủ động ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, tổ chức ký 76 bản cam kết với các hộ dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng như: không đốt đồng, không vào rừng trái phép; phối hợp với Vườn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, hoạt động tuyên truyền…

Tiến đến, Vườn thực hiện phương án quản lý nước theo 4 phân khu đáp ứng mục tiêu phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển bình thường của hệ sinh thái rừng tràm; gia cố 6 cống điều tiết nước, chống rò rỉ trong suốt mùa khô; khởi động 2 trạm bơm, chủ động bơm nước bổ sung vào rừng khi cần thiết; nạo vét, gia cố 5 hố chứa nước, bán kính 500 m/hố, dự trữ 150 m³/hố tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao nhằm đảm bảo nguồn nước chống cháy…

Ngoài ra, Vườn dọn thực vật trôi nổi các tuyến kênh chính, phát dọn đường tuần tra, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, phân lô, cắm mốc để cơ động lực lượng tiếp cận đám cháy khi có cháy rừng xảy ra; bảo trì, sửa chữa, vận hành các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy chuyên dụng; thành lập 10 trạm bảo vệ rừng và 14 tháp quan sát lửa rừng trên toàn lâm phần; xây dựng các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi cháy rừng xảy ra.

Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng đối mặt với những khó khăn, bất lợi như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, khó lường; rừng tràm phát triển trên đất than bùn có độ dày 0,3 - 1,2 m; nguồn vật liệu cháy khô rất dày, được tích tụ qua nhiều năm; hệ thống công trình phòng cháy, chữa cháy rừng chưa được đầu tư hoàn thiện; trang thiết bị, phương tiện cảnh báo, dự báo, phát hiện nguy cơ cháy rừng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, nhận thức của một số người dân sống gần rừng chưa cao nên còn vào rừng săn bắt động vật hoang dã, thủy sản, bắt ong gia tăng trong những tháng mùa khô gây áp lực đến tài nguyên rừng…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục