Nhiều mô hình giảm nghèo không hiệu quả, lãng phí nguồn lực đầu tư

18:37' - 05/09/2020
BNEWS Những năm qua, huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi luôn ưu tiên đưa các mô hình kinh tế, mô hình nông nghiệp đến với đồng bào nhằm giúp họ thoát nghèo.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều mô hình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Tháng 5/2018, 40 hộ gia đình của xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà được tham gia dự án sinh kế trồng cây đinh lăng do Ban Phát triển xã Sơn Thành triển khai. Dự án có diện tích 1,6 ha, thực hiện tại thôn Gò Chu với tổng nguồn vốn đầu tư 540 triệu đồng. Dự kiến dự án thực hiện trong 3 năm.

Tiếc thay chỉ sau 2 tháng trồng thì có đến 80% cây giống bị chết, thối gốc, những cây còn sống lại không có rễ mà chỉ phát triển nhờ chất kích thích. Theo quan sát, trên diện tích triển khai dự án người dân đã chuyển sang trồng cây keo và một số cây trồng khác để cải thiện cuộc sống.

Theo báo cáo của Ban Phát triển xã Sơn Thành, nguyên nhân dẫn đến thất bại của dự án là do thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây đinh lăng; cây giống cũng chưa đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Báu, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà (nguyên là cán bộ khuyến nông của dự án) cho biết, sau khi cây chết, Ban Phát triển xã đã phối hợp với đơn vị cung ứng giống là Công ty Sơn Trung Du và các hộ dân thực hiện dự án tiến hành cải tạo đất, trồng lại cây giống và lắp đặt hệ thống tưới tự động. Tuy nhiên, cũng như lần trước khi xuống giống một thời gian, cây không phát triển, chết dần rồi chết hoàn toàn.

Tương tự dự án trên là Tiểu dự án sinh kế xây dựng vườn ươm giống cây sâm cau và hà thủ ô ở xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà. Dự án này cũng rơi vào tình trạng "chết yểu" sau khi triển khai thực hiện.

Cụ thể, tháng 12/2017, Tiểu dự án do Ban Phát triển xã Sơn Cao làm chủ đầu tư có tổng nguồn vốn 250 triệu đồng từ nguồn vốn dự án giảm nghèo Tây Nguyên, thu hút 15 hộ dân tham gia. Tuy nhiên, cây giống sau khi trồng một thời gian ngắn không phát triển và chết dần. Hiện nay, nơi vị trí vườn ươm chỉ là một vùng đất trống, cỏ dại mọc um tùm.

Đề cập vấn đề này, ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà cho biết, đối với các dự án sinh kế, các mô hình trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thì việc thành công hay thất bại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: ý thức của người dân, khí hậu, thổ nhưỡng, dịch bệnh...

Đối với 2 dự án trên thì sau khi triển khai thời gian ngắn, cây giống liên tục chết. Chính quyền địa phương đã phối hợp cùng đơn vị cung cấp giống để cấp giống cho bà con nông dân trồng lại nhiều lần, nhưng do thời tiết nắng hạn kéo dài nên cây không phát triển.

"Đã gọi là dự án, mô hình thử nghiệm thì phải chấp nhận những rủi ro. Làm dự án thì ai cũng mong chờ thành công, nhưng thất bại là điều bất khả kháng. Thực tế chứng minh có không ít dự án, mô hình được triển khai trên địa bàn đã mang lại thành công. Do đó, thời gian tới UBND huyện sẽ lựa chọn những mô hình sinh kế phù hợp để bà con tiếp tục thực hiện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân", ông Phùng Tô Long cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục