Đòn bẩy giúp đồng vùng biên thoát nghèo - Bài 1: Xóa nghèo ở vùng có nhiều “không”

18:46' - 28/08/2020
BNEWS Với chủ trương thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống điện-đường-trường-trạm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.

Với chủ trương thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm, cũng như triển khai, thực hiện các chương trình và đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Để ghi nhận những kết quả trong công tác giảm nghèo, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 4 bài viết với chủ đề Đòn bẩy  giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo.
Bài 1:  Xóa nghèo ở vùng có nhiều “không”
Đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên vốn ở xa trung tâm, địa bàn giao thông đi lại khó khăn, ít được giao thương với bên ngoài, nên đời sống của bà con trước đây bữa no bữa đói, tệ nạn nghiện hút cao, hầu hết là hộ nghèo.
* Vùng đặc biệt khó khăn, lạc hậu
Lào Cai có 3 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Những năm qua, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.


Thôn biên giới Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) được thành lập năm 2003 theo chương trình sắp xếp dân cư vùng biên giới. Cách đây chục năm, đây chính là "vùng lõm" của xã Bản Phiệt, với 5 không (không đường giao thông, không trạm y tế, không trường học, không có điện, không có nước sạch), đời sống người dân vô cùng khó khăn. Toàn thôn có 70 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao sinh sống, với hơn 300 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 9,5 ha ruộng cấy.
Để tạo vốn ban đầu giúp bà con, khi ấy Nhà nước và chính quyền địa phương đã quyết định hỗ trợ 18 triệu đồng/hộ theo chương trình sắp xếp dân cư biên giới… Đến nay, nhờ làm tốt công tác chuyển đổi giống cây trồng theo hướng hàng hóa mà giờ đây Nậm Sò đã có nhiều mô hình trồng dứa, chuối cho thu nhập hàng chục triệu đồng trên năm, có gia đình trở thành tỷ phú. Nậm Sò hôm nay đã đổi thay, trong thôn có những biệt thự khang trang của những tỷ phú dứa, tỷ phú chuối. Từ con số ban đầu trên 80% hộ nghèo, đến nay cả thôn chỉ còn 3 hộ trong diện cận nghèo.
Cùng với đó, sau hơn 8 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất và đời sống của người dân thôn Nậm Sò đã có sự đổi thay. Trưởng thôn Đặng Thị Dẩn cho biết, triển khai xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân góp công nên hầu hết các tuyến đường giao thông liên thôn, liên gia ở thôn đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, với địa hình núi đá hiểm trở, nơi có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do vậy, công tác xóa đói giảm nghèo cũng đã được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang trong những năm qua. Hiện nay, tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh Hà Giang còn 26%, giảm gần 18% so với năm 2015.
Tại huyện biên giới Mèo Vạc (Hà Giang), trong giai đoạn từ 2016 - 2020, cùng với cả nước, chính sách giảm nghèo cũng đã có nhiều thay đổi theo hướng bền vững hơn, toàn diện hơn. Đạt được kết quả đó, huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp và cách làm hay, phù hợp cho từng địa bàn.

Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỉ lệ giảm nghèo của huyện Mèo Vạc giảm từ 66,01% năm 2015 xuống còn 35,99% trong năm 2020.
Gia đình ông Dùng A Dương, là hộ cận nghèo ở thôn Cờ Tảng, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được thụ hưởng từ Chương trình 30a, và là một trong 20 hộ thuộc "Dự án nuôi bò sinh sản" của xã Xín Cái.
Ông Dương cho biết, nhờ nguồn vốn hỗ trợ và sự giúp đỡ của chính quyền, gia đình đã phát triển đàn bò sinh sản được 2 con, tới đây xuất bán sẽ có tiền hoàn trả 40% vốn hỗ trợ, không những thế đàn bó phát triển còn đem lại hướng thoát nghèo cho gia đình.
Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, công tác xóa đói giảm nghèo được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. Trong những năm qua huyện cũng đã tập trung các nguồn lực để lồng ghép nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người nghèo.
* Có hiệu quả dân mới làm theo
Bà con đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới do trình độ, nhận thức hạn chế nên trông chờ ỷ lại Nhà nước hỗ trợ nên không chủ động vươn lên làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Dù cán bộ vận động tuyên truyền, những chưa thấy hiệu quả để có cái ăn no bụng thì không làm theo.

Vì vậy, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng phải xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt “cầm tay chỉ việc” để bà con dân tộc làm theo.
Vào bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nghe chuyện Bộ đội Biên phòng giúp người dân trồng lúa nước được người La Hủ nơi đây ví như giấc mơ trong chuyện “cổ tích”.
Bản Hà Xi có 59 hộ, 251 khẩu, 100% là người dân tộc La Hủ. Dù đã được Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương hỗ trợ hàng trăm ngày công, san gạt mặt bằng và dựng nhà, tổ chức khai hoang làm lúa nước, ổn canh ổn cư nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, đồng bào La Hủ vốn quen với tập quán "chọc lỗ bỏ hạt" nên diện tích lúa nước đã không được duy trì, dẫn đến việc thiếu đói giáp hạt.
Đầu năm 2018, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trồng lúa nước hai vụ tại bản Hà Xi. Bộ đội Biên phòng tổ chức họp bản để tuyên truyền về hiệu quả của việc trồng lúa nước nhưng cũng chỉ vận động được gia đình anh Hoàng Hừ Xa, Bí thư Chi bộ bản tham gia.
Tháng 7/2018, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã giúp người dân cày đất, khoanh thửa gần 1 ha, mua gần 400 m ống để dẫn nước từ suối về. Đồn Biên phòng còn hỗ trợ giống, phân bón, cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn đồng bào từ việc cày, cuốc đến làm đất, gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch…
Vụ mùa đầu tiên cho năng suất đạt gần 2 tấn thóc, người dân Hà Xi ngỡ ngàng bởi cây lúa nương của người La Hủ trồng chưa bao giờ đạt năng suất cao như vậy. Vụ thứ hai năng suất tăng gần gấp đôi, thấy hiệu quả nên nhiều hộ ở Hà Xi đề nghị Bộ đội Biên phòng hỗ trợ trồng lúa.
Chúng tôi vào Hà Xi đúng thời điểm vụ lúa thứ ba của gia đình anh Hoàng Hừ Xa đang ngả màu vàng óng. Nâng bông lúa trĩu hạt, anh Xa chia sẻ: “Tôi là Bí thư Chi bộ, đảng viên nên gương mẫu đi đầu làm thử nghiệm trồng lúa nước hai vụ. Người dân bản mình thấy hiệu quả thì làm theo”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Kiều Hải Nam cho biết, thông qua những mô hình phát triển kinh tế mà Đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đã giúp người dân tự chủ trong lao động, sản xuất. Đồng bào dân tộc địa bàn biên giới đã có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, tăng thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh./.
Xem thêm:

>>Bài 2: Làm nhà giúp dân ổn canh, ổn cư

>>Bài 3: Huy động nguồn lực phát triển

>>

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục