Nhiều ngân hàng ở Tp. Hồ Chí Minh áp dụng phương án “3 tại chỗ”

19:45' - 29/07/2021
BNEWS Một số ngân hàng đã triển khai phương án “3 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ, dù ngành ngân hàng không bắt buộc phải thực hiện quy định này như các doanh nghiệp sản xuất.

Trước diễn biến dịch COVID-19 ở Tp. Hồ Chí Minh vẫn phức tạp, khó lường, các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục siết chặt việc phòng chống dịch. Đáng chú ý, một số ngân hàng đã triển khai phương án “3 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ, dù ngành ngân hàng không bắt buộc phải thực hiện quy định này như các doanh nghiệp sản xuất.

Theo thông tin từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ngân hàng đã tạm thời ngừng giao dịch tại một số đơn vị trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Eximbank sẽ phục vụ khách hàng tại khoảng hơn 30 đơn vị có điều kiện tốt nhất trên địa bàn nhằm bảo đảm sức khỏe cho khách hàng.

Song song đó, Eximbank cũng thận trọng trong việc triển khai “3 tại chỗ” cho các đơn vị tại khu vực có diễn biến dịch phức tạp. Đơn vị đảm bảo việc tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” an toàn, tuân thủ quy định cũng như bố trí chu đáo cho cán bộ nhân viên khi thực hiện.

Đại diện Eximbank cũng cho biết, việc thực hiện “3 tại chỗ” được triển khai theo hướng thận trọng và thực hiện cuốn chiếu. Việc lựa chọn các đơn vị thực hiện không nhất thiết tại các đơn vị kinh doanh lớn, mà lựa chọn đơn vị phù hợp về giãn cách - bảo vệ cán bộ và tuân thủ yêu cầu giãn cách trong giai đoạn khẩn cấp này của thành phố...

Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng đã triển khai thí điểm hình thức “3 tại chỗ” cho hội sở và một số đơn vị kinh doanh khu vực Tp. Hồ Chí Minh kể từ ngày 16/7. Việc  này nhằm đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe cho toàn thể cán bộ nhân viên.

Mới đây, nhằm tuân thủ theo chỉ đạo về việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, từ ngày 26/7, SCB duy trì hoạt động tại một số đơn vị kinh doanh. Tại các địa điểm này, cán bộ nhân viên tuân thủ theo phương án “3 tại chỗ”.

Đơn vị cũng triển khai linh hoạt các biện pháp chia nhóm và làm việc tại nhà tại các địa phương khác phù hợp với tình hình dịch. Cán bộ nhân viên cũng sẽ được SCB chăm lo nhu yếu phẩm, nơi ngủ, bữa ăn, tủ thuốc...

SCB cũng điều chỉnh thời gian kết thúc lịch làm việc vào buổi chiều tại các tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 sớm hơn 1 giờ so với thường lệ, đóng cửa vào 15 giờ 30 phút. Đồng thời, đơn vị thường xuyên cập nhật các điểm giao dịch đang hoạt động hoặc phải tạm ngừng trên website để khách hàng được biết.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng lên các phương án, kịch bản cũng như cho diễn tập vận hành các tình huống có thể xảy ra. Các phương án này luôn được bộ phận quản lý rủi ro hoạt động theo dõi cập nhật thay đổi linh hoạt theo tình hình thực tế, theo quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế; trong đó có tính cả phương án “3 tại chỗ”.

Tất cả những quy trình, bộ quy tắc, các giải pháp khác đều được tính đến, sao cho đảm bảo sự an toàn và có đầy đủ trang thiết bị vật dụng thiết yếu phục vụ cán bộ nhân viên nếu phải ở lại tại chỗ.

Chẳng hạn như với các suất ăn cho cán bộ nhân viên ở những nhóm thực thi giải pháp “3 tại chỗ”, HDBank đã sẵn sàng kết nối chủ động cung ứng suất ăn theo tiêu chuẩn dịch vụ hàng không để đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng cho nhân viên.

Nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn, ngân hàng sẽ lập tức thực thi các giải pháp này tại các điểm giao dịch quan trọng trên địa bàn.

Hiện định kỳ 5 ngày/1 lần, HDBank tổ chức thực hiện kiểm tra nhanh cho toàn thể cán bộ nhân viên. Những đơn vị, chi nhánh lớn, tổ chức test tại chỗ, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chuẩn mực, không để nhóm này tiếp xúc nhóm kia và tầng này tiếp xúc tầng kia…

Hoạt động nội bộ lẫn bên ngoài với việc cung ứng, duy trì các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số đều đảm bảo thông suốt, không cần tiếp xúc, không bị ảnh hưởng bởi giãn cách tại các địa phương áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.

Không chỉ các ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác trên địa bàn cũng đã lên kế hoạch chi tiết để ứng phó với tình hình diễn biến ngày một phức tạp của dịch bệnh, nhằm đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.

Đồng thời, khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thay vì đến giao dịch tại quầy nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng.

Trước đó, ngày 14/7, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc phòng chống dịch.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực ngành nghề thiết yếu được duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TC-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan của UBND Tp. Hồ Chí Minh.

Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp và yêu cầu theo quy định “3 tại chỗ” như doanh nghiệp sản xuất thông thường đối với tổ chức tín dụng phát sinh nhiều khó khăn về bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng cũng như đối với việc phòng chống dịch, do ngân hàng giao dịch với khách hàng và người dân.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã có báo cáo, kiến nghị và được sự đồng ý của lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh, không áp dụng điều kiện “3 tại chỗ” trên đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh và phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn siết chặt việc phòng chống dịch tại đơn vị và trong hệ thống, để bảo đảm hoạt động ngân hàng duy trì sự ổn định, an toàn và hiệu quả trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục