Nhiều ngư dân thiệt hại nặng vì tàu giã cào

16:46' - 19/06/2017
BNEWS Nhiều ngư dân hành nghề lưới rê ở Bà Rịa-Vũng Tàu rất bức xúc vì mỗi chuyến đi biển lại mất 5-10 tấm lưới vì bị tàu giã cào bay ở các tỉnh miền Tây phá rách hoặc làm mất lưới.

Trung bình mỗi chuyến biển mỗi ngư dân mất khoảng hơn 100 triệu đồng do bị tàu giã cào phá lưới.

Người dân xã Phước Hưng, huyện Long Điền, phải vá lại lưới sau mỗi chuyến biển. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Đã hơn nửa tháng nay, tàu của gia đình anh Nguyễn Trường Quang, ngụ xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa thể ra khơi để tiếp tục hành nghề đánh bắt cá, do chuyến biển đợt tháng 5 vừa qua tàu sắt có số hiệu BV.93555.TS của gia đình anh đã bị đoàn giã cào bay của các tỉnh miền Tây gây thiệt hại lớn rách nát và mất gần 100 tấm lưới.

Cụ thể, đêm ngày 20/5, khi tàu sắt của gia đình anh đang đánh bắt ở vùng biển cách Côn Đảo 37 hải lý về hướng Đông Bắc đã bị đoàn giã cào bay phá và làm mất tích 15 tấm lưới, trị giá 184 triệu đồng.

Đến đêm ngày 29/5 khi tàu đang đánh bắt cách cửa Bình Đại, tỉnh Bến Tre 22 hải lý cũng bị đoàn tàu giã cào bay phá và làm mất tích đến 65 tấm lưới, gây thiệt hại đến hơn 800 triệu đồng.

Ngay sau đó, anh Quang đã báo cáo sự việc lên đồn biên phòng Phước Tỉnh. Hiện tàu vỏ sắt của gia đình anh đang phải nằm bờ để khắc phục sự cố về lưới và đang trong quá trình điều tra nên không được xuất bến ra khơi đánh bắt.

Theo anh Quang, ngư dân hành nghề lưới rê ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị tàu giã cào phá lưới chủ yếu là tàu giã cào bay của các tỉnh ngoài.

Mặc dù, các tàu hành nghề lưới rê khi đang đánh bắt trên vùng biển phát hiện tàu giã cào bay hoạt động vào vùng biển tàu mình đang đánh bắt đã phát tín hiệu, xin tàu giã cào chuyển hướng đánh bắt để tránh gây thiệt hại.

Tuy nhiên các tàu giã cào không bao giờ chuyển hướng và cứ đi thẳng vào hướng lưới dẫn đến chuyến biển nào cũng bị hư hỏng nặng hoặc mất tích nhiều tấm lưới.

Còn theo anh Nguyễn Văn Quyết, ngư dân huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc các tàu giã cào bay phá lưới đã diễn ra khoảng 10 năm nay, tuy nhiên khoảng 5 năm trở lại đây việc các tàu bị tàu giã cào phá lưới ngày càng ở mức độ nhiều và nghiêm trọng hơn.

Không những thế, khi họ phá lưới bị các tàu khác phản ứng là họ báo cho các tàu giã cào bạn đến bao vây và rất hung hăng áp đảo các tàu khác, khiến ngư dân hành nghề bị rách lưới, mất lưới nhiều năm liền mà không biết kêu ai.

Điều khó khăn nhất nữa là mọi sự việc xảy ra trên biển, lại vào ban đêm trời tối nên khó quay, chụp ảnh lại để làm bằng chứng báo cơ quan chức năng.

Không chỉ ngư dân hành nghề lưới rê bị ảnh hưởng bởi tàu giã cào làm hư hỏng và mất lưới, mà ngư dân làm nghề lưới rập cũng chung tình cảnh này.

Ngư dân Lê Hữu Nhẫn (tổ 3, ấp Thanh Bình 1, xã Bình Châu) cho biết, anh hành nghề lưới rập cũng thường xuyên bị tàu giã cào “nuốt” và làm hư hỏng lưới. Có những lần, đang đánh bắt trên biển, tàu giã cào cuốn mất 60 cái rập, tính tổng thiệt hại chuyến biển đó lên đến hơn 24 triệu đồng. Hầu như lần nào ra khơi anh cũng bị tàu giã cào cuốn làm mất lưới hoặc hư hỏng nặng.

Anh Nhẫn buồn rầu chia sẻ: “Mất lưới rồi, tôi lại phải vay tiền mua lại rồi phập phồng không biết ngày nào sẽ bị mất nữa - cái vòng luẩn quẩn này không biết bao giờ mới chấm dứt”.

Theo nhiều ngư dân, các tàu giã cào phá lưới của ngư dân chủ yếu ở ngoại tỉnh, hoạt động lén lút và rất liều lĩnh. Phương thức hoạt động của tàu giã cào là hai tàu công suất lớn trên 90CV chạy song song và kéo theo một tấm lưới, phía đáy của lưới được gắn một dây sắt nặng để có thể cào sâu đến tận đáy biển.

Mắt lưới giã cào nhỏ nên bất cứ thứ gì trên đường đi như tôm, cá, ốc, ghẹ... đều bị đánh bắt cạn kiệt. Không những thế, tàu giã cào còn cuốn luôn cả lưới, ngư cụ của ngư dân địa phương đang hành nghề đánh bắt hải sản ở trên biển.

Lưới đánh bắt của gia đình anh Nguyễn Văn Quyết (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) rách tả tơi do bị tàu giã cào phá. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh rất bức xúc về tình trạng này. Bà con ngư dân khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc để ngư dân tập trung làm ăn, yên tâm bám biển.

“Đề nghị lực lượng chức năng có biện pháp căn cơ ngăn chặn triệt để tình trạng đánh bắt của ghe cào ở khu vực gần bờ, khiến môi trường biển bị tàn phá và gây thiệt hại tài sản lớn của ngư dân”, anh Lê Hữu Nhẫn nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cho biết, thời gian gần đây tiếp xúc cử tri bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng về tình trạng bị tàu giã cào cố tình làm hư hỏng lưới khi đang đánh bắt trên biển.

Hiện nay, về phía Chi cục cũng đã phối hợp với các Đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh, lực lượng kiểm ngư tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng hoạt động của các tàu giã cào, nhất là kiểm soát hoạt động đánh bắt gần bờ của loại hình này vì không những phá hủy môi trường biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn phá hủy tài sản của nhiều ngư dân khác.

Tuy nhiên, hiện nay các tàu giã cào, nhất là tàu giã cào đánh bắt gần bờ thường hoạt động vào ban đêm và ngụy trang rất tinh vi, dẫn đến việc khó kiểm tra, kiểm soát loại hình phương tiện đánh bắt này trên biển.

Trước thực trạng tàu giã cào tận diệt nguồn lợi thủy sản, khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có chủ trương không phát triển nghề giã cào. Cụ thể, không cho đóng mới, không cho mua ghe từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh làm nghề giã cào; không cho cải hoán, nâng cấp các ghe giã cào.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã xây dựng đề án và một số chính sách giúp ngư dân chuyển đổi từ nghề giã cào sang các nghề lưới khác, nhằm tránh tình trạng đánh bắt tận diệt của lưới giã cào như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục