Nhiều "nút thắt" giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long

08:17' - 19/08/2017
BNEWS Mặc dù đã chuyển biến tích cực từ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không nhưng so với yêu cầu phát triển thì hệ thống giao thông của vùng hiện vẫn chưa tương xứng.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành với dân số khoảng 18 triệu người, đóng góp 90% sản lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu cho cả nước.

Đây cũng là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm được quan tâm đầu tư. Mặc dù đã chuyển biến tích cực từ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không nhưng so với yêu cầu phát triển thì hệ thống giao thông của vùng hiện vẫn chưa tương xứng.

Hiện vùng mới chỉ có 40 km đường cao tốc, nhiều tuyến Quốc lộ mới chỉ được đầu tư nâng cấp mở rộng từng đoạn, chưa thông suốt giữa các tỉnh nội vùng và khu vực lân cận; đường không và cảng biển mới chỉ dừng lại ở hoạt động trong nước...

Tại Hội nghị kết nối giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Giao thông -Vận tải phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức mới đây tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, hệ thống giao thông của vùng phát triển còn chậm nên cần tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp hệ thống giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt cả vùng với khu vực Tp. Hồ Chí Minh.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, các bộ ngành tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, "điểm nghẽn” đầu tiên cần “thông” chính là đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, bao gồm: dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn khoảng 9.660 tỷ đồng và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng vốn gần 7.000 tỷ đồng.

Đây là 2 dự án giao thông trọng điểm quyết định mở lối kết nối giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Tp. Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của vùng.

Ngoài 2 dự án trọng điểm trên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải tập trung triển khai tuyến N2 đoạn Vàm Cống - Cao Lãnh xong vào cuối năm nay, đoạn Vàm Cống- Kiên Giang làm xong trong năm 2018.

Cùng đó là kết nối các tuyến đường nối trong khu vực như tuyến Vàm Cống - Long Xuyên, kết nối tuyến N2 với đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Cần Thơ và Quốc lộ 1...

Tuyến nối từ Cà Mau - Sóc Trăng - Trà Vinh - Bến Tre - Tiền Giang cũng cần tập trung đầu tư nhằm rút ngắn thời gian đi lại của 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến Tp. Hồ Chí Minh theo tuyến này.

Hai cây cầu huyết mạch Đại Ngãi, Rạch Miễu 2... cũng cần nghiên cứu và Bộ Giao thông – Vận tải có thể đề xuất đưa vào gói trái phiếu Chính phủ dành cho các công trình quan trọng Quốc gia để Thủ tướng xem xét...

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật chia sẻ, khó khăn lớn nhất của vùng trong việc đầu tư kết nối giao thông đó là sông ngòi nhiều, nền đất yếu nên chi phí đầu tư rất lớn.

Với những dự án đang đầu tư, mặc dù các địa phương đã rất cố gắng nhưng giải phóng mặt bằng vẫn quá chậm dẫn đến nguy cơ tăng vốn đầu tư và chậm tiến độ hoàn thành.

Hiện nhu cầu đầu tư cho khu vực này rất lớn trong khi khả năng có hạn nên toàn vùng đang triển khai dở dang 26 dự án với tổng nguồn vốn 88.000 tỷ đồng. Trong số này mới chỉ huy động được khoảng 20.000 tỷ từ ngân sách, tương đương với 30%. Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.

Đặc biệt, thời gian qua, nguồn cát san nền và cát xây dựng rất hiếm khiến đơn giá đội lên gấp nhiều lần. Đơn cử như dự án nâng cấp Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang cần 2,5 triệu m3 cát san nền nhưng không có nguồn cung cấp; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng cần 6 triệu m3 cát san nền…

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng, đối với hệ thống giao thông liên vùng thì ưu tiên số 1 vẫn là cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ (bao gồm 2 dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ).

Đây là dự án cấp thiết, mang lại lợi ích không chỉ riêng cho người dân Cần Thơ mà cho rất cả các địa phương trong vùng nên cần hoàn thành vào năm 2020. Việc đội giá lên tới 14.000 tỷ đồng, thậm chí 15.000 tỷ đồng cũng cần được tính toán phương án bù hợp lý để đảm bảo đúng tiến độ - ông Thể nhận xét.

Chính phủ cũng cần có cơ chế đặc biệt là trích ngân sách để giải phóng mặt bằng trước cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ để sớm có mặt bằng sạch triển khai nhanh.

Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề xuất sau năm 2020, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đường cao tốc Châu Đốc (tỉnh An Giang) - Sóc Trăng đi ngang Cần Thơ có 4 làn xe giúp lưu thông xuyên vùng được thuận lợi.

Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ, từ một tỉnh có 3 cù lao với nhiều cách trở, Bến Tre đã trở thành một địa phương có hệ thống giao thông thuận lợi, nhất là từ khi có cầu Rạch Miễu kết nối với tỉnh Tiền Giang liên thông với cầu Hàm Luông và sau đó là cầu Cổ Chiên tạo sự liên thông huyết mạch trên Quốc lộ 60.

Hệ thống giao thông mới đã giúp cho Bến Tre phát triển nhanh kinh tế, khai thác được tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Tuy nhiên, trên địa bàn hiện nay vẫn còn "nút thắt" giao thông rất lớn cần được tháo gỡ đó là Quốc lộ 60 đã được thông suốt nhưng cầu Rạch Miễu hiện tại với chiều rộng mặt cầu chỉ có 13 mét đã tạo ra sự tắc nghẽn giao thông thường xuyên.

Vì vậy, ông Trọng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cầu Rạch Miễu 2 nối Quốc lộ 60 thông suốt từ tỉnh Tiền Giang đi Bến Tre, Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 16 dự án giao thông trong vùng; trong đó, có nhiều dự án quan trọng cấp thiết như dự án kết nối khu vực Trung tâm đồng bằng Mê Kông (cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối 2) với tổng mức đầu tư 19.445 tỷ đồng và đang trong giai đoạn hoàn thành.

Dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với chiều dài 51,1 km với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 9.660 tỷ đồng theo hình thức BOT dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2020… Các dự án trọng điểm này đều dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2020.

Tại vùng lân cận, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành quy hoạch để mở tuyến đường sắt từ Tp. Hồ Chí Minh về Cần Thơ với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Việc mở tuyến này sẽ giúp vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Cần Thơ cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ đến Tp. Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 1 tiếng.

Ngoài ra, UBND thành phố Cần Thơ cũng đang tiến hành mời gọi các hãng hàng không mở các tuyến bay mới từ địa phương này đến các tỉnh thành khác trong cả nước như Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, Lâm Đồng và các tuyến bay quốc tế đến Thái Lan, Siêm Riệp (Campuchia), Hàn Quốc...

Các công trình trọng điểm này được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống giao thông Đồng bằng sông Cửu Long sớm gỡ được "nút thắt" để nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội, năng cao năng lực cạnh tranh và giá trị hàng hóa cho người dân trong vùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục