Nhiều quy luật về bão bị phá vỡ, bão trở nên thường xuyên hơn

09:57' - 30/10/2020
BNEWS Trong khi cơn bão số 9 vừa quét qua, để lại hậu quả nghiêm trọng về người và của cho đồng bào miền Trung, thì cơn bão số 10 đã hình thành, dự kiến cũng hướng vào các tỉnh miền Trung.

Trong những năm gần đây, nhiều quy luật về bão ở nước ta đã bị phá vỡ, các cơn bão mạnh lên và trở nên thường xuyên hơn, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn.

5 cơn bão trong chưa đầy 1 tháng

Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở vùng biển phía Đông Philippines đã hình thành 1 cơn bão, có tên gọi là bão Goni (là cơn bão thứ 19 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương).

Cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Theo những thông tin dự báo xa, khoảng cuối tuần sau cơn bão này có khả năng gây mưa lớn ở Trung Bộ, trong đó có các tỉnh Trung Trung Bộ.

Ông Lâm nhận định, trong nửa đầu tháng 11/2020, tình hình mưa bão trên biển Đông và miền Trung còn phức tạp.

Như vậy nếu tính cả bão Goni, trong chưa đầy một tháng, có 5 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới đi vào Việt Nam.

Trước đó, bão Molave đã vào Biển Đông từ sáng 26/10, trở thành cơn bão số 9 trong mùa mưa bão năm nay 2020. Sau hơn 2 ngày quần thảo trên biển, trưa ngày 28/10, bão số 9 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Đến cuối giờ ngày 28/10, sau nhiều giờ quần thảo trên đất liền, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, cụ thể là hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể tác động đến các cơn bão, khiến các cơn bão mạnh lên và trở nên thường xuyên hơn.

Số liệu thống kê trong vòng 20 năm qua, nhiều quy luật của bão ở nước ta đã bị phá vỡ, tổng số bão, số cơn bão cấp 12 trở lên và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta đều tăng lên, cụ thể: giai đoạn 1999-2008 tổng số cơn bão là 78, thì đến giai đoạn 2009-2018 là 93; giai đoạn 1999-2008 số cơn bão mạnh trên cấp 12 là 32, thì giai đoạn 2009-2018 là 36 và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta giai đoạn 1999-2008 là 28, giai đoạn 2009-2018 là 44.

Các kỷ lục về số lượng bão trên Biển Đông liên tục được thiết lập, đầu tiên là vào năm 2013, lần đầu tiên ghi nhận số lượng bão lên đến 14 cơn bão, cao hơn trung bình năm 4 cơn bão.

Đến năm 2017, kỷ lục cũ đã bị xô đổ khi có tới 16 cơn bão hoạt động trên Biển Đông.

Quy luật đổ bộ của bão trong 20 năm qua cũng ghi nhận nhiều hiện tượng dị thường, trái với quy luật. Ví dụ, gần đây nhất là năm 2016, tháng 10 mà bão số 7 lại đổ bộ vào Quảng Ninh, trong khi theo quy luật thời gian này bão phải xuống đến khu vực Trung Trung Bộ.

Hay vào năm 2017, bão số 2 Talas và bão số 4 Sonca hoạt động trong khoảng nửa cuối tháng 7 lại đổ bộ vào khu vực miền Bắc và Trung Trung Bộ...

Trước đây bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, nhưng từ năm 2016, cơ quan khí tượng đã phải bổ sung cấp siêu bão, tức là cấp 16 trở lên.

Như vậy, thang đo cấp độ bão ở Việt Nam đã chia làm 4 cấp độ: bão thường có cường độ cấp 8-9; bão mạnh có cường độ cấp 10-11; bão rất mạnh có cường độ cấp 12-15 và từ cấp 16 trở lên được gọi là siêu bão.

Thiệt hại vô cùng lớn

Từ đầu năm đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường với đủ các loại hình, như: động đất; dông, lốc; mưa lớn; bão; lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn; sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển…

Trong đó, đáng kể nhất là tình hình mưa, bão ở các tỉnh miền Trung, gây nên những thiệt hại vô cùng lớn.

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2020, thiên tai (bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy) tại một số địa phương đã làm 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương; 111,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; 3 nghìn con gia súc và 600,5 nghìn con gia cầm bị chết; 45 nghìn ha lúa và 22,3 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 2,7 nghìn tỷ đồng.

Riêng mưa lũ tại các tỉnh miền Trung làm 129 người chết và mất tích, 214 người bị thương; 111,2 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; hơn 1 nghìn ha lúa và 7,2 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 2,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,8% tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra.

Trong đó, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề với 106 người chết, mất tích, 133 người bị thương; 95,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, 2,4 nghìn con gia súc và 573,2 nghìn con gia cầm bị chết, thiệt hại ước tính hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 10 tháng năm 2020, thiên tai làm 249 người chết và mất tích, 516 người bị thương; 1.940 ngôi nhà bị sập đổ; 212,7 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; 187,8 nghìn ha lúa và gần 90 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 10,1 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 3,5 nghìn tỷ đồng.

Dự báo, những ngày tới ở miền Trung vẫn có mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét sạt lở đất. Vì vậy các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát các thông tin dự báo để có kế hoạch ứng phó hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục