Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh sởi, đa số chưa được tiêm phòng

17:44' - 01/09/2018
BNEWS Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 8/2018 ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi nhập viện tại các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố.
Hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi và một số trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Trong khuôn khổ hoạt động giám sát ca sốt phát ban nghi sởi, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận trong tháng Tám từ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam; trong đó có 15 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với sởi và có 1 trường hợp sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài 8 trường hợp trẻ bị bệnh dưới 9 tháng tuổi chưa đến thời điểm tiêm vắc-xin sởi thì những trẻ còn lại đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Trong khi đó, ngày 1/9, bác sỹ Tiêu Châu Thy, Khoa Nhiễm – Thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần qua đơn vị này tiếp nhận 3 trẻ em mắc sởi. Đáng lưu ý là cả 3 trường hợp này đều xảy ra ở trẻ dưới 9 tháng tuổi với những biểu hiện sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi.

Mới đây, bé Ý Nhi (8 tháng tuối, ngụ tỉnh Đồng Tháp) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 với tình trạng sốt cao, các nốt ban đỏ nổi đặc người. Mẹ của bệnh nhi này cho biết, bé mới 8 tháng tuổi, đi nhà trẻ nhưng ở trường bé không có ai mắc bệnh.

Tuy nhiên, trước đó một tuần, bố của bệnh nhi bị sốt, nổi ban, đi khám thì được chẩn đoán sốt phát ban và cho thuốc về uống. Sau đó hai ngày, bệnh nhi cũng bắt đầu nổi ban và sốt. Do tình trạng bé sốt ngày càng cao nên gia đình cấp tốc đưa bé vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, bệnh nhi được hỗ trợ thở oxy và chẩn đoán mắc sởi.

Một trường hợp khác là bệnh nhi 7 tháng tuổi, quê tại An Giang cũng được đưa đến khám trong tình trạng sốt, nổi ban và ngay lập tức được cách ly sau khi chẩn đoán bị mắc sởi. Trước đó, khoa Nhiễm – Thần kinh cũng đã tiếp nhận rải rác các ca trẻ mắc sởi trong vài tuần nay. Đặc điểm chung là đều ở lứa tuổi dưới 9 tháng tuổi và chưa được tiêm phòng sởi.

“Do chưa đủ tuổi tiêm phòng sởi nên trẻ dưới 9 tháng tuổi thông thường được hưởng miễn dịch từ mẹ thông qua bú sữa mẹ. Tuy nhiên nhiều mẹ không được chích ngừa hoặc trẻ không được bú sữa mẹ thì khả năng mắc sởi rất cao”, bác sỹ Tiêu Châu Thy cho hay.

Bác sỹ Thy cũng lưu ý, ở độ tuổi này, ban sởi không điển hình nên dễ gây nhầm lẫn với sốt phát ban, trẻ cũng dễ bị bội nhiễm hơn trẻ lớn. Nếu thấy trẻ sốt cao, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến việc con mắc sởi và cần đưa đi khám ngay tránh trường hợp bệnh chuyển nặng.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, trong bối cảnh bệnh sởi đang gia tăng ở các tỉnh phía Bắc thì việc lây lan bệnh giữa các vùng, miền là rất dễ dàng đối với các cá thể và cộng đồng chưa có miễn dịch với vi-rút sởi. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Sở Y tế thành phố đã quyết liệt chỉ đạo khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh sởi trong bệnh viện và trong cộng đồng.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tổ chức cách ly, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo và tổ chức phân luồng cho trẻ đến khám bệnh có biểu hiện nghi ngờ; xử lý triệt để ổ bệnh ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát và lan rộng.

Sở Y tế cũng đồng thời khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi; hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hoặc phát ban. Cha mẹ và người thân trong gia đình chú ý rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.

Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục