Nhiều vướng mắc cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67

11:09' - 24/02/2016
BNEWS Qua thực hiện cho vay đóng mới tàu trong năm 2015 và thực tiễn triển khai kế hoạch năm 2016 cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn đang kéo chậm tiến độ của chương trình.

Theo kế hoạch, Hải Phòng được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) phân bổ cho vay đóng mới 44 tàu; trong đó, có 38 tàu khai thác và 6 tàu hậu cần theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ "Về một số chính sách phát triển thủy sản". 

Năm 2016, thành phố phấn đấu phân bổ được 23 tàu cho các địa phương; trong đó có 3 tàu dịch vụ hậu cần và 20 tàu khai thác. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng cho biết, khó khăn đầu tiên là việc các cấp có thẩm quyền hiện chưa đưa ra bộ tiêu chí xét duyệt cu thể.

Việc thẩm định thủ tục, hồ sơ của các cơ quan chức năng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Do đó đến nay, thành phố mới chỉ phê duyệt cho vay đóng 19 tàu cho 19 trường hợp.

Cùng với đó, các ngư dân, địa phương vẫn còn lúng túng về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu; quá trình thẩm định giá trị của tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ, vay vốn ngân hàng còn chậm. Việc đào tạo đội ngũ thuyền viên đáp ứng yêu cầu vận hành tàu vỏ thép cũng chưa được triển khai.

Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, ngoài những khó khăn lớn, vẫn còn rất nhiều những khó khăn mang tính đặc thù nghề nghiệp. Chẳng hạn như về mẫu thiết kế tàu cũng là một khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đưa ra 21 mẫu tầu nhưng do mỗi chủ tàu lại có một kinh nghiệm riêng, ngư trường đặc thù riêng nên ngư dân muốn đóng tàu phù hợp với mỗi hoàn cảnh nên làm kéo dài thời gian do điều chỉnh thiết kế…

Việc mỗi chủ tàu có một ý kiến khác nhau khi thiết kế tàu cũng gây khó khăn cho việc vay vốn đóng tàu. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn vẫn còn tồn tại, việc cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 tại Hải Phòng cũng đã đạt được những kết quả bước đầu.

Ông Nguyễn Hồng Ban, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy cho rằng, Ngân hàng đã có nhiều bước hỗ trợ tích cực cho ngư dân trong việc hoàn thành thủ tục vay, đóng tàu vỏ sắt.

Ngân hàng đã sẵn sàng hỗ trợ linh hoạt giúp ngư dân thuộc diện được vay có thể vay thêm số vốn đối ứng có trị giá bằng 5% con tàu với lãi suất thấp. Đây là bước tháo gỡ tích cực giúp ngư dân chủ động hơn về vốn, bởi 5% giá trị con tàu đối với ngư dân cũng không phải là số tiền nhỏ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – đơn vị duy nhất đến nay đang triển khai chương trình cũng đã có chính sách linh hoạt hỗ trợ cả doanh nghiệp đóng tàu như: giúp các doanh nghiệp có thể được vay vốn với lãi suất thấp để phối hợp cùng ngư dân.

Bởi, theo quy định, ngân hàng cho vay chỉ được giải ngân trước 15% số vốn vay, khi hoàn thành tàu mới nghiệm thu và giải ngân tiếp. Như vậy, để hoàn thành con tàu, doanh nghiệp đóng tàu phải có số vốn không nhỏ.

Ông Nguyễn Hồng Ban cũng cho biết thêm, với tiến độ như hiện nay, việc đóng mới một con tàu vỏ sắt sẽ có tiến độ khá nhanh, dự kiến từ 5-8 tháng sẽ xong một con tàu loại này. Đây sẽ là điều kiện tốt để bà con ngư dân vươn khơi khai thác, sớm thu hồi vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục