Nhiều xe hợp đồng hoạt động trá hình vận tải khách tuyến cố định

18:41' - 05/10/2023
BNEWS Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã lợi dụng xe hợp đồng hoạt động trá hình vận tải khách tuyến cố định, từ đó gây ùn tắc giao thông và tạo cạnh tranh không lành mạnh.

Qua nắm bắt, rà soát của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phát hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 80/1.057 xe hợp đồng hoạt động trá hình vận tải khách.

Các xe này tập trung tại các khu đô thị, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, nơi có nhu cầu của người dân nhiều như: thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn; các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Triệu Sơn, Quảng Xương, Ngọc Lặc...

Đặc biệt, tại thành phố Thanh Hóa có 46 xe hợp đồng hoạt động trá hình vận chuyển khách tuyến cố định, gồm 8 xe của Công ty TNHH Vĩnh Quang; 4 xe của Chi nhánh Công ty Mai Linh – Willer tại Thanh Hóa; 17 xe của Công ty Ðại Thắng; 7 xe của Công ty Du lịch và Dịch vụ Quốc tế Hạ Long (nhà xe Ba Sáu); 10 xe của Công ty TNHH Ðại Nam (nhà xe Ðại Nam).

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần do tâm lý của người dân ngại chờ đợi, không muốn vào bến xe, các điểm đón trả khách theo quy định để mua vé, từ đó các đơn vị vận tải, văn phòng, chi nhánh sử dụng xe hợp đồng, du lịch từ 9-11 chỗ để vận chuyển khách.

Ngoài ra, các công ty, nhà xe đã lập “bến cóc” đón trả khách ngay tại văn phòng, chi nhánh ở các tuyến đường nội thị, gây ùn tắc giao thông; tạo cạnh tranh không lành mạnh với hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định.

 

Trước thực trạng trên, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ ngày 1/1 đến ngày 3/9, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa đã kiểm tra, lập 96 biên bản xử phạt vi phạm đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch (hoạt động vận chuyển khách trá hình tuyến cố định) với số tiền hơn 453 triệu đồng, tước quyền sử dụng có thời hạn 22 giấy phép lái xe, 15 phù hiệu “Xe hợp đồng”.

Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo lực lượng liên ngành công an, thanh tra Sở Giao thông xử lý nghiêm các văn phòng, các trường hợp vi phạm như thu phù hiệu; xử lý vi phạm về đậu, đỗ nhằm chấm dứt tình trạng này trong thời gian sớm nhất.

Tới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm; trong đó, tập trung cao điểm kiểm tra, xử lý ở thành phố Thanh Hóa. Đồng thời, đặt biển phụ cấm đậu, đỗ tại các tuyến trung tâm, nơi có mật độ dân cư và lưu lượng phương tiện dày đặc. UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là thành phố Thanh Hóa tăng cường tuyên truyền, xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền.

Đối với các doanh nghiệp vi phạm liên quan ứng dụng app điện tử, trang điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán vé, xác nhận đặt chỗ, đón trả khách theo yêu cầu, UBND tỉnh  đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ trách nhiệm liên quan, lĩnh vực quản lý chủ động xử lý trong phạm vi thẩm quyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục