Nhiều yếu tố chi phối thị trường vàng

11:32' - 04/06/2023
BNEWS Tính chung trong tuần qua, giá vàng trong nước tăng nhẹ 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra, cùng lúc với giá vàng thế giới cũng tăng trở lại.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhiều yếu tố như đồng USD và lợi suất trái phiếu, trần nợ của Mỹ, lạm phát và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chi phối thị trường vàng.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (3/6), giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,35 – 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.

 

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó.

Trong tuần, giá vàng trong nước giảm liên tục trong sáng giao dịch đầu tuần 29 - 30/5, sau đó tăng từ sáng 31/5 - 2/6, trước khi giảm trở lại vào phiên cuối tuần.

Tính chung cả tuần, giá vàng tăng nhẹ 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi đó, từ đầu tuần đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 0,2% và dự kiến sẽ phá chuỗi ba tuần giảm liên tiếp.

Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 2/6 trong bối cảnh dữ liệu việc làm "nóng" hơn dự kiến của Mỹ đã nâng lợi suất trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn đang hướng đến một tuần tăng giá do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn làm gia tăng đồn đoán Fed sẽ tạm dừng nâng lãi suất.

Theo thống kê, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng khoảng 339.000 việc làm trong tháng 5/2023, vượt xa mức dự báo tăng 190,000 việc làm, trong khi  tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7%, so với mức thấp của 53 năm là 3,4% trong tháng 4/2023.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD đều tăng, khiến vàng vốn được giao dịch bằng đồng bạc xanh và là tài sản không sinh lời trở nên kém hấp dẫn.

Các nhà giao dịch dự đoán 70% khả năng các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong phiên họp vào tháng này. Còn theo công cụ phân tích FedWatch của CME, thị trường đang dự đoán có 50% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 13-14/6.

Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker ngày 1/6 khuyến nghị Fed không nên tăng lãi suất tại cuộc họp trên.

Nhà phân tích Rupert Rowling của Kinesis Money cho hay sự lạc quan về lãi suất này đã bù đắp phần nào những thiệt hại tiềm tàng đối với vàng khi Mỹ đạt được thỏa thuận về trần nợ và tránh vỡ nợ.

Đồng USD và lợi suất trái phiếu, trần nợ của Mỹ, lạm phát và lãi suất của Fed là các yếu tố chủ đạo chi phối thị trường vàng suốt tuần qua.

Số liệu thống kê cho thấy Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Mỹ, đã tăng 4,4% trong tháng 4 vừa qua. Báo cáo này có thể sẽ gây sức ép lên Fed trong cuộc chiến với lạm phát.

Tổ chức nghiên cứu Conference Board mới đây đã công bố báo cáo cho thấy chỉ số lòng tin tiêu dùng tại Mỹ giảm từ 103,7 điểm trong tháng 4/2023 xuống 102,3 điểm trong tháng 5/2023. Đây là tháng thứ 4 trong 5 tháng chỉ số này giảm.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại Công ty Tài chính OANDA cho biết, ngưỡng hỗ trợ quan trọng của giá vàng xung quanh mức 1.950 USD/ounce có thể khiến giá vàng trở lại mức 2.000 USD/ounce./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục