Nhìn lại nhiệm kỳ Chính phủ 2016 – 2021: Nỗ lực bền bỉ trong cải cách

11:00' - 25/03/2021
BNEWS Bên cạnh đột phá quan trọng, mở đường là hoàn thiện thể chế, việc cải cách TTHC, thúc đẩy kinh tế thị trường chính là đột phá chiến lược đem tới thành công nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ 5 năm qua.

* Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững, thể hiện quyết tâm cao trong việc loại bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính; Hội đồng đã tổ chức 33 hội nghị đối thoại để lắng nghe phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đề xuất giải pháp xử lý 442 vấn đề, nhóm vấn đề kiến nghị.

Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt gần 63%); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 30/120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Chính phủ đã chỉ đạo phương án xử lý theo hướng tập trung một đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền giữa các bộ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra hàng hóa chuyên ngành.

Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN; về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới giai đoạn 2018-2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia.

Kết quả này được đánh giá có mức độ cải thiện về chất lượng cao hơn so với mức trung bình của thế giới, là một trong những minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành trong suốt thời gian qua.

Tiếp nối chủ trương này, Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ quán triệt quan điểm chỉ đạo về xây dựng Chính phủ điện tử: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”; thành lập cơ quan chỉ đạo liên ngành ở Trung ương là Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban và tại các bộ, ngành, địa phương là các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.

Đặc biệt,Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet); Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Các hệ thống thông tin này đã tạo sự thay đổi rõ rệt trong phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, vừa tạo “lực kéo”, vừa tạo “lực đẩy” trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đặc biệt đã thể hiện rõ hiệu quả trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.

Tính chung tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ cải cách thủ tục hành chính và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử khoảng 15.200 tỷ đồng/năm.

Các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đến cuối năm 2020 đạt tỷ lệ trên 30%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra; một số bộ, cơ quan xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Các bộ, ngành, địa phương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 100%.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016, xếp thứ 86/193 quốc gia, xếp thứ 6 trong ASEAN.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ đã ban hành cơ sở pháp lý và 19 nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa trên 1.000 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, tạo tiền đề quan trọng để khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành có thể cắt giảm tối đa việc khai nộp giấy tờ, thông tin của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Đến nay, 13 bộ, ngành đã kết nối thông qua Cơ chế một cửa quốc gia với 207 thủ tục hành chính; triển khai trao đổi thông tin Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D với 9 nước ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

* Thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường

Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,2%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (7,65%). Lạm phát cơ bản được kiểm soát tốt qua các năm, giữ mức tương đối ổn định, bình quân đạt 1,81%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (5,15%).

Năm 2020, trước tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, không để bị động, bất ngờ; tập trung tháo gỡ các “nút thắt” trọng tâm cho tăng trưởng; đồng thời chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương với hệ thống chỉ tiêu, giải pháp cụ thể.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nhờ đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước vẫn đạt 2,91%, tăng trưởng cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, thuộc nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Chính phủ điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến tình hình; chỉ đạo điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng tín dụng giảm dần trong khi GDP tăng trưởng bền vững.

Nguồn vốn tín dụng ngày càng được sử dụng hiệu quả và phân bổ phù hợp hơn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; triển khai các chương trình tín dụng đặc thù; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng cường phòng, ngừa, đấu tranh với tình trạng “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, Chính phủ hoàn thiện chính sách tài chính, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế và phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Quy mô thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 được cải thiện, đạt khoảng 25,2%/GDP, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (23,5%).

Chính phủ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, phê duyệt và triển khai các đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam... để giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục