Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa mạnh

19:17' - 18/10/2021
BNEWS Mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 đang dần hé lộ bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng.

So với nhiều lĩnh vực khác, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng nhìn chung vẫn khá tích cực. Thế nhưng, trên thị trường chứng khoán, giao dịch của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa có tín hiệu bứt phá.

Sau nửa đầu năm bùng nổ, kể từ đầu tháng 7/2021 đến nay, giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán diễn biến không mấy tích cực, hầu hết đều nằm trong xu hướng điều chỉnh hoặc tích lũy. So với mức đỉnh lịch sử, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm từ 20-30%.

Trong phiên ngày 18/10, dù mở cửa với nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng khá tích cực, giúp VN-Index có lúc vượt qua mốc 1.400 điểm.

Tuy nhiên, đến phiên chiều, nhiều cổ phiếu ngân hàng lại bất ngờ quay đầu giảm mạnh, khiến VN-Index không thể bám trụ ở mốc điểm này, đóng cửa ở mức 1.395,53 điểm, chỉ tăng 2,83 điểm so với phiên trước đó.

Trong phiên, chỉ còn được 8/27 mã ngân hàng tăng điểm; trong đó, có 5 mã tăng nhưng gần như không đáng kể.

Với việc chiếm tới 1/3 tổng vốn hóa thị trường nên diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã kìm hãm đà tăng của toàn thị trường.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam, về mặt bằng chung nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn khó có thể bứt phá mạnh mẽ như những tháng đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu do kết quả kinh doanh quý 3 và khả năng quý 4/2021 của nhiều ngân hàng ghi nhận không mấy tích cực bởi ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 lên nền kinh tế.

Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các Thông tư bổ sung sửa đổi Thông tư 01 như Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN tại các ngân hàng có thể tăng cao đột biến.

Trong khi việc trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu cần thời gian để thực hiện. Do vậy, trong ngắn hạn nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa thể tăng giá mạnh mẽ trở lại.

Tuy vậy, ông Minh cũng cho rằng, trong nhóm cổ phiếu này vẫn có sự phân hóa nhất định. Một số ngân hàng có vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có thể “đi ngược” với xu hướng chung của ngành nhờ có câu chuyện riêng như bán sở hữu vốn cho nước ngoài, tái cơ cấu, kết quả kinh doanh…

Trong báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSC) cũng cho rằng, kết quả kinh doanh quý III/2021 và diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa theo 2 yếu tố cơ bản.

Trước hết là mức độ giảm lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã và sẽ tiếp tục giảm lãi vay nên không quá bất ngờ nếu mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2021 giảm mạnh so với 2 quý đầu năm. Yếu tố còn lại là mức độ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Thực tế, diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên hôm nay cũng chứng tỏ nhóm này đang có sự phân hóa khá mạnh mẽ.

Trong 8/27 mã tăng điểm, cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng có mức tăng điểm tích cực nhất khi tăng 2,4% lên 38.400 đồng/cổ phiếu.

Trong phiên có lúc VPB lên 39.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản của cổ phiếu cũng bất ngờ tăng gấp đôi so với tuần trước, đạt trên 15 triệu đơn vị.

Các báo cáo, khuyến nghị đầu tư của các công ty chứng khoán gần đây đều cho thấy, cổ phiếu VPB đang bị định giá thấp hơn nhiều so với giá trị nội tại. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp VPB đi ngược dòng so với các mã cùng ngành.

VPBank hiện là ngân hàng có mức lợi nhuận được duy trì khá ổn định qua các quý. Chưa kể nguồn tiền từ thương vụ bán vốn tại FE Credit (gần 1,4 tỷ USD) được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của VPBank, cộng thêm kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% thành công cho đối tác chiến lược.

Những điều này sẽ giúp vốn điều lệ của VPB có thể được đề xuất tăng lên ít nhất 75.000 tỷ đồng trong năm 2022. Đây được xem là “câu chuyện riêng” giúp cổ phiếu của ngân hàng này còn nhiều tiềm năng tăng giá trong thời gian tới.

Hay như cổ phiếu TPB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong trong phiên 18/10 đã chinh phục mức đỉnh lịch sử mới, khi lên 44.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1% so với phiên trước đó.

TPB được giới đầu tư đánh giá khá tích cực, là một ngân hàng tư nhân trẻ có sự sáng tạo, đổi mới không ngừng. Hiện TPBank chuẩn bị lên kế hoạch tăng vốn đợt 2.

Trước đó, ngân hàng này cũng đã thực hiện một đợt tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu, thu ròng gần 3.282 tỷ đồng.

Việc huy động vốn thành công cung cấp cho TPB một vùng đệm vốn bền vững, cần thiết cho sự tăng trưởng bảng cân đối kế toán trong tương lai.

Trong phiên hôm nay, diễn biến cổ phiếu STB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng gây sự chú ý, khi được khối ngoại mua ròng gần 3 triệu cổ phiếu.

Trong khi trên HOSE, khối ngoại quay đầu bán ròng gần 10 triệu cổ phiếu, với giá trị bán ròng trên 600 tỷ đồng. Đây cũng là phiên thứ 4 liên tiếp khối ngoại duy trì mua dòng cổ phiếu CTG.

STB được giới đầu tư kỳ vọng vào làn gió mới hậu thoái vốn khỏi Công ty Chứng khoán SBS. Nguồn vốn này sẽ được đưa vào kinh doanh, gia tăng hiệu quả hoạt động chính của ngân hàng.

Đồng thời, một loạt các hành động chiến lược khác của Sacombank như bán toàn bộ cổ phiếu quỹ, tập trung xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, giảm phụ thuộc vào các nguồn vốn dễ biến động, tăng cường đầu tư công nghệ... được xem là những giải pháp quyết liệt của ngân hàng trong việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, thực hiện hiệu quả và trước thời hạn đề án tái cơ cấu.

Trong trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng, sự tăng tốc của nền kinh tế trong quý IV, sự hỗ trợ của chính sách cơ cấu giãn nợ và trích lập dự phòng vì COVID-19… sẽ là những nhân tố chính hỗ trợ nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực hơn.

Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, kỳ vọng vào việc khơi thông và thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân - đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội sẽ giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có thêm động lực tăng trưởng.

Bên cạnh đó, với gói kích thích kinh tế lớn, các doanh nghiệp sẽ dần hoạt động trở lại và giảm bớt lo ngại về rủi ro nợ xấu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục