Nhu cầu sụt giảm, ngành than gặp khó

15:23' - 08/08/2016
BNEWS Ngành than trong nước đang gặp khó khăn do nhu cầu sử dụng sụt giảm và sự cạnh tranh gay gắt với nguồn than nhập khẩu.
Nhu cầu sụt giảm, ngành than gặp khó. Ảnh: TTXVN

Bộ Công Thương cho biết, sản xuất kinh doanh của ngành than trong thời gian qua, về cơ bản đã đáp ứng tốt các chủng loại than theo nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện và các hộ sử dụng khác.

Tuy nhiên, ngành than trong nước đang gặp khó khăn do nhu cầu sử dụng sụt giảm và sự cạnh tranh gay gắt với nguồn than nhập khẩu.

Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), ngành than gặp khó do Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Uông Bí... gặp sự cố phải dừng sản xuất; tiến độ nhận than của một số dự án nhiệt điện cũng không đúng theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt.

Về nhu cầu, ông Hưng cho hay, các nhà máy phân bón giảm sản lượng và hoạt động cầm chừng do gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm và hạn hán.

Các nhà máy xi măng đang có xu hướng sử dụng than nhập khẩu giá rẻ, một số hộ tiêu thụ như Hoà Phát, các đơn vị sản xuất gạch xây dựng có xu hướng sử dụng than sản xuất trong nước và than tự nhập khẩu để sử dụng .... nên các doanh nghiệp trong ngành gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm.

Trong 7 tháng qua, sản lượng than sạch đạt 17,8 triệu tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ, nhưng sản lượng than sạch của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại giảm tới 9,6%. Điều này phần nào cho thấy áp lực lớn cạnh tranh đối với sản phẩm than nhập khẩu.

Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), do nhu cầu từ các hộ sử dụng giảm, nên tập đoàn cũng phải giảm khoảng 2,5-3 triệu tấn than.

TKV đang trong giai đoạn khó khăn do than nhập khẩu. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, theo TKV, giảm sản lượng để giữ ổn định việc làm, sản xuất chỉ là khó khăn tạm thời trong năm 2016-2017. Khi sang năm 2018, các dự án Nhiệt điện Thái Bình 1, Thái Bình 2 sẽ tăng hết công suất sản xuất và dự kiến, sẽ thêm được 4 triệu tấn than.

Vào năm 2019, Nhà máy Vĩnh Tân 2 cũng thêm 4 triệu tấn nữa. Nếu không giữ được tốc độ sản xuất thì đến lúc đó tăng thêm được 8 triệu tấn là rất khó khăn.

Vì vậy, đại diện lãnh đạo TKV cũng đề nghị các hộ sử dụng than, các ngành phối hợp đảm bảo ổn định sản xuất, để khi nhu cầu tăng cao sau năm 2018 sẽ đáp ứng được cung ứng than cho các hộ một cách tốt nhất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, trong khi than nhập khẩu giá rẻ hơn than trong nước, nếu Chính phủ không có giải pháp can thiệp thì than nhập khẩu sẽ tràn vào nhiều hơn.

Các hộ trong nước sẽ thay vì mua than của TKV sẽ có thiên hướng nhập than nước ngoài, đặc biệt là các hộ không yêu cầu đặc tính than như điện, xi măng... Như vậy rõ ràng TKV đang trong giai đoạn khó khăn.

Ngoài việc chỉ đạo TKV cần chủ động cân đối tài chính ở mức tối thiểu, giảm tồn kho thì để hỗ trợ cho TKV và duy trì cho sản xuất lâu dài, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị các hộ tiêu thụ sản xuất, đặc biệt là các nhà máy điện trong ngành như của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...triệt để tuân thủ các quy định trong hợp đồng các bên đã ký về sử dụng than. Không vì lợi ích trước mắt mà không tuân thủ nghiêm túc, để về lâu dài có đủ điều kiện để tiếp tục sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục