Nhu cầu yếu, tiêu thụ nhiều mặt hàng tại Đà Nẵng sụt giảm

13:46' - 11/09/2023
BNEWS Cầu hàng hóa vẫn chưa được khôi phục khiến chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm cuối tháng 8/2023 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 27,06% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều ngành hàng tại Đà Nẵng tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ khi tình hình lạm phát trên thế giới vẫn kéo dài. Điều này khiến chỉ số tồn kho của lĩnh vực chế biến chế tạo tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp khó khăn đã buộc phải cắt giảm nhân công lao động.

*Nhu cầu hàng hóa chưa khôi phục

Tình hình lạm phát tăng cao và kéo dài ở nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều mặt hàng không thiết yếu bị cắt giảm dẫn tới chỉ số tiêu thụ chung sụt giảm so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng 8/2023 tăng 3,4% so với tháng trước và giảm 2,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022, điều đó minh chứng cho cầu hàng hóa vẫn chưa được khôi phục.

Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,6% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ có 9/20 ngành có chỉ số tiêu thụ tăng, một số nhóm ngành có chỉ số  tiêu thụ tăng cao như: ngành Dệt (+54,71%);  sản  xuất  sản  phẩm  điện  tử,  máy  vi  tính  và  sản  phẩm  quang  học (+62,56%); sản xuất xe có động cơ (+54,81%).

Trong các nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ giảm, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu, tác động đến chỉ số chung như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-49,77%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (-42,70%); sản xuất sản phẩm từkhoáng phi kim loại khác (-36,28%); sản xuất đồ uống (-17,25%).

*Tồn kho tăng cao

Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm cuối tháng 8/2023 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 27,06% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số ngành có mức tồn kho tăng rất cao so với cùng kỳ do sản phẩm tiêu thụ chậm như: sản xuất chế biến thực phẩm (+166,2%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+131,7%); ngành dệt (+67,3%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (+70,8%); sản xuất trang phục (+133,2%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+86,8%)...

Một số ngành có mức tồn kho giảm sâu hơn mức tồn kho chung như: sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; sản xuất kim loại; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...

Chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tháng 8/2023 tăng 0,04% so với tháng trước nhưng giảm 9,7% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sử dụng lao động giảm (-6,5%) so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (-6,7%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm (-2,5%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm (-4,8%); riêng công nghiệp khai khoáng tăng 20,9% do nhiều doanh nghiệp ngành khai khoảng được cấp phép hoạt động trở lại sau thời gian ngừng hoạt động do chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Tuy nhiên, mức tăng trên chỉ góp phần khá nhỏ vào chỉ số lao động bình quân chung toàn ngành công nghiệp trên địa bàn do lĩnh vực này số lượng lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh không nhiều.

Xét theo loại hình kinh tế, lao động khu vực nhà nước giảm nhẹ 0,3%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 3,4%; riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm đến 19,6%.

Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thiếu vắng đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu nên buộc phải cắt giảm lao động làm việc. Xét theo ngành hoạt động, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động khá thấp như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-19,5%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-8,7%); sản xuất xe có động cơ (-7,3%). Một số ngành chỉ số sử dụng lao động cao hơn mức tăng chung như: dệt; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế…/ 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục