Nhức nhối nạn "cát tặc" ở giáp ranh Tuyên Quang - Yên Bái

07:24' - 02/07/2017
BNEWS Sông Chảy đoạn giáp ranh hai tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái có nhiều con tàu ngang nhiên tung “vòi bạch tuộc” vào sát bờ để "hút" cát, sỏi. Hàng trăm m3 đất nông nghiệp đã bị sạt lở, cuốn trôi.

Trên bờ sông, những bến bãi tập kết trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay mà không bị cơ quan chức năng nào ngăn chặn. 

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực sông Chảy đoạn giáp ranh giữa xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) và xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái), những con tàu " hút" cát vẫn ngang nhiên hoạt động ở vị trí chỉ cách bờ chưa đến 5m.

Hàng trăm m3 đất nông nghiệp thuộc địa phận xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã bị trôi xuống sông, tạo thành bờ vách dựng đứng.

Theo những người khai thác cát, họ làm việc cho ông Nguyễn Quang Định, Giám đốc Hợp tác xã khai thác cát sỏi vật liệu xây dựng sông Chảy, có địa chỉ tại thôn Tiên Phong, xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái). Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc để xác minh thông tin trên, ông Định đã từ chối làm việc.

Bên kia bờ sông phía thuộc thôn Tâm Bằng, xã Mỹ, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), ba bãi tập kết cát sỏi quy mô khá lớn, tập kết hàng trăm m3 cát, sỏi.

Cát sỏi được thu mua từ những thuyền khai thác trên sông Chảy, cát sỏi sau khi được tập kết lên bờ được vận chuyển đi tiêu thụ. Mặc dù là bến xây dựng trái phép nhưng trên khu vực bến bãi vẫn có nhiều lán trại được xây dựng kiên cố.

Bà Trần Thị Hạt, thôn Tâm Bằng, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn thừa nhận, bến bãi trên là thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dũng Hạt do chồng bà Hạt làm giám đốc. Những bến này không có giấy phép mở bến thủy nội địa của Cục đường thủy nội địa Việt Nam.

Khu vực đất trên là đất nông nghiệp cũng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cát, sỏi được gia đình bà Hạt thu mua từ các đối tượng khai thác trên sông sau đó tập kết tại bãi và bán cho người có nhu cầu trong vùng.

Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn xác nhận, bãi cát sỏi trên thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dũng Hạt. Công ty này chỉ mới được cấp giấy phép kinh doanh cát, sỏi, vật liệu xây dựng.

Các giấy tờ như: Giấy phép khai thác cát sỏi, giấy phép mở bến hay thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đơn vị này chưa có. Khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã có chủ trương để những công ty này mở bãi tập kết cát sỏi phục vụ bê tông hóa giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, khối lượng tập kết cát sỏi được xã khống chế, phù hợp với kế hoạch xây dựng các tuyến giao thông nông thôn. Vừa qua, cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ đã kết hợp với xã tiến hành kiểm tra xác minh nguồn gốc số cát, sỏi trên và đã có văn bản yêu cầu đơn vị này phải chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp đơn vị này vẫn cố tình hoạt động. Xã sẽ tổ chức kiểm tra nếu phát hiện xã sẽ yêu cầu đơn vị này chấm dứt hoạt động.

Được biết, để tăng cường việc quản lý trong lĩnh vực khoáng sản nói chung, khai thác cát, sỏi nói riêng, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều văn bản quy định trách nhiệm quản lý cũng như phân cấp quản lý.

Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động khai thác cát ở những địa bàn giáp ranh vẫn gặp không ít khó khăn. Các cơ quan chức năng và các địa phương cần có sự phối hợp quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục