Nhức nhối tình trạng đào đồi, lấp ruộng trái phép

18:04' - 10/03/2021
BNEWS Nhiều quả đồi tiếp tục bị đào khoét, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị san lấp trái phép đang diễn ra ở nhiều địa phương tại tỉnh Phú Thọ khiến dư luận bức xúc.

Đáng nói, chính quyền địa phương đã xử phạt nhiều lần nhưng không đem lại hiệu quả, tình trạng đào đồi, lấp ruộng trái phép không được xử lý triệt để.

*Khai thác, san lấp trái phép diễn ra ngày càng tăng

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại thời điểm ngày 8/3, dọc theo đường tỉnh lộ 311 thuộc địa bàn xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa, nhiều thửa ruộng đã bị lấp đất với độ cao lên đến 2m so với mặt ruộng.

Tại khu 4 ven đường, hầu hết những thửa ruộng bị lấp đất đã bị người dân san phẳng rồi tận dụng để phơi những tấm gỗ bóc mỏng làm gỗ ép. Phía sau bãi đất này, những thửa ruộng đang cấy vẫn bị đất vùi. Riêng tại khu 6, tình trạng đào đồi, lấp ruộng diễn ra quy mô lớn hơn. Đất được chất đống ở ruộng sát đường tỉnh lộ 311 chờ được san phẳng.

Một người dân xã Hà Lương cho biết, sau khi được đổ thành từng đống, những chiếc xe tải chở đất sẽ chở đi đổ chỗ khác, sau đó mới quay lại san phẳng. Tình trạng khoét đồi lấy đất, lấp ruộng đã diễn ra một thời gian dài nhưng không được xử lý, xe tải chạy như không che bạt khiến đất vương khắp đường.

Bám theo chiếc xe tải chở đất chạy vào phía trong của khu 6, cách đường tỉnh lộ 311 khoảng hơn 1 km, phóng viên TTXVN đã chứng kiến chiếc xe tải chở đất đổ thẳng đất xuống ruộng. Tiếp tục đi sâu vào là một quả đồi rộng đến vài ha đã bị san hạ cốt. Đất sau khi được khai thác hạ cốt đã đổ thẳng xuống phía dưới ruộng; trong khi đó, theo người dân, trước đây là nhiều tràn ruộng, nhưng giờ đã bị lấp phẳng!

Lần theo xe chở đất, quay ra đường tỉnh lộ 311, chiếc xe tải chạy vào khu đang khai thác đất cách đường tỉnh lộ khoảng hơn 200 m. Tại đây, một quả đồi đang bị đào bới; đồng thời, một chiếc máy xúc đang vục những gầu đất múc lên xe tải rồi chở đến chỗ người dân cần san gạt mặt bằng, chủ yếu là đất ruộng.

Tình trạng đào đồi, lấp ruộng không chỉ diễn ra ở xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác như Cẩm Khê, Lâm Thao, Đoan Hùng... Tại xã Tạ Tá, huyện Cẩm Khê hay xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tình trạng này đã diễn ra từ đầu năm 2020 và có chiều hướng gia tăng.

*Cần chế tài xử lý mạnh

Việc đào đất, lấp ruộng, ao (gọi chung là đất nông nghiệp) trái phép là dạng vi phạm không mới, dẫn đến thất thoát nguồn tài nguyên Nhà nước ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn ngày một nghiêm trọng, làm thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp… Trong khi đó, chính quyền địa phương lại “bất lực”, bởi chế tài xử lý chưa đủ mạnh.

Ông Mai Tiến Đường, Chủ tịch UBND xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê cho biết, sau khi phát hiện các đối tượng đào đồi, lấp đất nông nghiệp trái phép, xã đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý. Từ tháng 7/2020 đến nay, UBND xã đã lập biên bản xử phát hơn 20 trường hợp vi phạm đất đai với diện tích san lấp trái phép hàng nghìn m2. Song, thực tế, sau khi xử phạt hành chính chỉ 1 - 2 ngày sau, các đối tượng lại tiếp tục hoạt động trở lại.

“Do thẩm quyền cấp xã không được giữ phương tiện khai thác, vận chuyển; mức xử phạt hành chính còn thấp (dưới 5 triệu đồng) nên sau khi bị xử phạt, người dân và các đối tượng khai thác đất lại tiếp tục hành vi đào đất, san lấp trái phép. Bởi thế, xã cũng rất khó khăn trong việc xử lý rứt điểm tình trạng này”, ông Đường cho biết thêm.

Đối với những diện tích đất đã san lấp vào đất nông nghiệp, theo Chủ tịch UBND xã Tạ Xá, xã cũng chỉ biết lập biên bản xử phạt, đồng thời yêu cầu các hộ dân không được san lấp đất nông nghiệp khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Xã sẽ tổ chức cưỡng chế các trường hợp tiếp tục cố tình san lấp trái phép, chây ì không chịu hoàn trả nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, việc cưỡng chế hiện rất khó khăn, bởi không có kinh phí để cưỡng chế.

Tại xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Quang ngạc nhiên và bày tỏ không biết tình trạng đào đồi, lấp ruộng tại khu 4 và 6 theo phản ánh của phóng viên. Khi được đề nghị cung cấp biên bản, quyết định xử phạt… thì ông Nguyễn Hồng Quang hẹn sang hôm khác do cán bộ địa chính đi vắng.

Trao đổi việc này với Phòng Tài nguyên và Môi Trường huyện Hạ Hòa, ông Hoàng Minh Phong, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, đến thời điểm này, phòng chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của các xã phản ánh tình trạng san gạt đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn.

Đối với những điểm san gạt, đào đồi lấp ruộng do phóng viên cung cấp, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ tiến hành kiểm tra ngay trong ngày 10/3. Sau khi kiểm tra cụ thể sẽ cáo cáo huyện và hẹn phóng viên một ngày làm việc cụ thể.

Cũng theo ông Phong, sau khi kiểm tra thực tế, đúng như phóng viên phản ánh, phòng sẽ lập biên bản xử lý, đồng thời yêu cầu các đơn vị, cá nhân thực hiện phục hồi hiện trạng ban đầu (hoàn nguyên). Trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho huyện tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Đối với những diện tích bị san lấp lớn không thể hoàn nguyên mà phù hợp quy hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ đề xuất thu hồi, đấu giá, nộp ngân sách nhà nước.

Về nội dung vụ việc này, Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát và thông tin./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục