Những cách nhận biết sản phẩm thịt lợn an toàn

17:12' - 19/03/2019
BNEWS Chia sẻ cách nhận biết sản phẩm thịt lợn an toàn, PGS.TS Phan Thị Thanh Tâm cho biết, muốn nhận biết nguyên liệu thịt lợn an toàn, về mặt lý thuyết cần có dấu kiểm định của cơ quan thú y.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Chiều 19/3, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và vấn đề tiêu thụ thịt lợn, đảm bảo an toàn thực phẩm” với sự tham của lãnh đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Buổi tọa đàm tập trung vào các nội dung chính như thông tin về tình hình dịch bệnh nói chung và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, tính đến 19 giờ ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 294 xã, 62 huyện thuộc 19 tỉnh thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và gần đây nhất là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Các ban ngành chức năng đã phải tiêu huỷ 34.774 con lợn.

Nói về nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát ông Nguyễn Văn Long cho biết, phổ biến nhất là một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Điều này dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh và ở diện rộng.

Bên cạnh đó, virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi.

Trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Một nguyên nhân nữa là qua các kết quả điều tra tại ổ dịch tại Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên cho thấy, các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lí nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng.

Ngoài ra, một số cán bộ trong quá trình tham gia xử lý tiêu huỷ lợn bệnh không thực hiện vệ sinh triệt để nên lại mang mầm bệnh trong người.

Bên cạnh đó, các dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi chưa được vệ sinh, phun thuốc sát trùng triệt để cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi bổ sung, cả nước có gần 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng tổng đàn lợn chỉ chiến hơn 40%.

Trong khi đó, các hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư nên khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Đây là một trong những lý do khiến chỉ trong hơn một tháng tốc độ dịch tả lợn châu Phi lan ra 19 tỉnh, thành.

Chia sẻ cách nhận biết sản phẩm thịt lợn an toàn, PGS.TS Phan Thị Thanh Tâm, Giảng viên ngành công nghệ chế biến thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, muốn nhận biết nguyên liệu thịt lợn an toàn, về mặt lý thuyết cần có dấu kiểm định của cơ quan thú y.

Về mặt cảm quan, thịt lợn bị dịch tả châu Phi có vết tím, xám ở vùng bụng, chân, thịt không có độ mềm dẻo, săn chắc... Đó là những đánh giá về mặt cảm quan còn dấu thú ý vẫn rất quan trọng.

"Ở Việt Nam, tôi thấy người tiêu dùng có những cách truyền thống rất hay để kiểm tra nhiệt độ của thịt, cụ thể là dùng những vật nhọn để xiên vào thịt khi chế biến. Nếu thấy dịch tiết ra không có màu đỏ hồng thì cũng đã đạt trên 70 độ C. Nếu luộc bằng nước thì đo nhiệt độ nước cũng có thể biết được. Khi cắt ra không thấy rỉ dịch màu đỏ hồng nữa như khi thịt còn tươi. Đó cũng là cách để người tiêu dùng biết để chế biến và sử dụng thịt an toàn", bà Tâm nói.

Cũng theo PGS.TS Phan Thị Thanh Tâm, đối với các loại thịt lên men như: thịt muối, nem chua, thịt chua thì các loại giun, sán chưa thể bị loại bỏ hết nên tốt nhất người tiêu dùng hạn chế các loại thực phẩm này.

Tất nhiên, với những sản phẩm công nghiệp thì người ta đều dùng hai phương pháp là gia nhiệt và sử dụng muối, tương đối an toàn, thế nhưng ở quy mô hộ gia đình nếu tự làm thì không thể đảm bảo.

Vì những lý do trên, khi sử dụng thịt lợn, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm uy tín và không nên quay lưng lại với các sản phẩm thịt lợn.

Bà Tâm chia sẻ, muốn an toàn nhất bà con hãy mua ở siêu thị, vì sản phẩm thịt lợn ở đây đã được kiểm soát chặt chẽ, bảo quản trong tủ mát theo đúng tiêu chuẩn.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành tiêu chuẩn thịt mát, điều này rất có ý nghĩa nhằm thúc đẩy tiêu dùng an toàn. Nhiều nước trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn thịt mát và áp dụng từ rất lâu rồi.

Để thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi và phát triển tiêu thụ thịt mát, các trang trại nhỏ hơn có thể tham gia, ghép vào chuỗi của các doanh nghiệp để cải thiện chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu về vi sinh vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng đang tỏ tâm lý hoang mang về việc sử dụng thịt lợn, một số người có tâm lý e ngại khi ăn thịt lợn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương thông tin, hiện nay đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ.

Nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn.

"Như vậy, lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lí do gì để chúng ta không sử dụng. Một lần nữa, chúng ta kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch. Đối với người chăn nuôi, không bao giờ được phép có suy nghĩ bán lợn bệnh ra thị trường, có bệnh là phải tiêu huỷ ngay lập tức. Đừng vì tiếc của mà bán chạy, giấu dịch, hay cố cứu chữa vì đã có Nhà nước hỗ trợ rồi" - ông Dương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Long bổ sung, người chăn nuôi, tiêu dùng không nên quá hoang mang trước dịch tả lợn châu Phi, bởi bệnh này không lây nhiễm ở người. Trong khi đó, mới có hơn 34.000 con lợn bị tiêu huỷ, chiếm 0,1% so với tổng đàn lợn của cả nước.

Có nghĩa là số lợn bị tiêu huỷ so với tổng đàn còn rất thấp. Toàn bộ số lợn bệnh, nghi bệnh đều đã được tiêu huỷ, người tiêu dùng không cần phải băn khoăn về chuyện lợn có bệnh tuồn ra ngoài thị trường. Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoang mang.

Trả lời câu hỏi việc tái đàn sẽ được thực hiện như nào, ông Nguyễn Văn Long cho hay, theo quy định Thông tư 4527 ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sau 30 ngày kể từ ngày địa phương đó thực hiện tiêu hủy con vật nhiễm bệnh cuối cùng, người chăn nuôi có thể tái đàn. Tuy nhiên, bà con không nên tái đàn một sách vội vàng, ồ ạt.

Cụ thể, chỉ nên nuôi 10% công năng (gọi là nuôi chỉ báo), sau đó lấy mẫu xem mầm bệnh còn tồn tại hay không rồi mới tăng đàn dần dần để đạt mức nuôi ban đầu.

Giải thích về thời gian sau 30 ngày mới được tái đàn, ông Long cho biết, nếu con lợn bị nhiễm bệnh thì cần thời gian từ 19 - 30 ngày để phát bệnh.

Sau khoảng thời gian trên, nếu không có con vật nào nhiễm bệnh thì mới được phép công bố hết dịch và có thể tái đàn.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bổ sung, trước khi tái đàn phải thực hiện tốt việc làm sạch, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi...

Đây là việc làm vô cùng cần thiết để phòng trừ các dịch bệnh khác chứ không riêng gì dịch bệnh mà đàn gia súc gia cầm đã mắc phải trước đó.

Để tránh thiệt hại cho bà con, bà con nên tiêu diệt các loại côn trùng như: muỗi, gián, chuột, các loại ve mềm… Đó cũng chính là trung gian gây bệnh mà nếu không chú ý thì không thể tiêu diệt hết mầm bệnh.

Liên quan đến tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay, việc tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín là yêu cầu tất yếu nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường và dịch bệnh.

Do đó, phải tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở tất cả các ngành hàng như thịt lợn, gia cầm, thuỷ sản, sữa…; trong đó, có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp.

Bởi các doanh nghiệp với đặc thù riêng, họ thực hiện kiểm soát nội bộ theo chuỗi rất tốt. Họ trang bị cho nhau những kiến thức cụ thể, thay đổi kĩ năng, thói quen chăn nuôi theo một tiêu chuẩn chặt chẽ.

Thực tế cho thấy, thông qua liên kết chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp, người chăn nuôi đơn lẻ mới có thể hiểu biết nhanh hơn, nâng cao trình độ sản xuất tốt hơn.

"Vấn đề này, các nước có nền chăn nuôi tiên tiến đã làm rất lâu rồi và rất hiệu quả. Do đó liên kết sẽ là câu trả lời hiệu quả nhất nhằm tái cơ cấu nhanh nhất ngành chăn nuôi để chúng ta hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi" - ông Dương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục