Những con số ấn tượng của giải thưởng VinFuture lần thứ 2

15:42' - 20/12/2022
BNEWS Những con số ấn tượng về giải thưởng VinFuture lần thứ 2 gồm: 2618 đối tác đề cử; trong đó, có 941 đối tác đề cử đến từ top 500 các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới.

“Hồi sinh và tái thiết” là chủ điểm mùa giải VinFuture năm 2022. Các đề cử đều tập trung vào những công trình và phát minh quan trọng giúp giải quyết thách thức lớn của nhân loại để hồi sinh sau đại dịch như sức khỏe và lương thực, môi trường và năng lượng bền vững cũng như ứng dụng của công nghệ trong mọi mặt của đời sống.

 

Những con số ấn tượng về giải thưởng VinFuture lần thứ 2 gồm: 2618 đối tác đề cử; trong đó, có 941 đối tác đề cử đến từ top 500 các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như: Đại học Harvard, Đại học Stanford, Đại học Oxford (Vương Quốc Anh)...

584 đối tác đề cử thuộc nhóm 2% các nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, tăng hơn gấp đôi so với năm 2021. 

970 hồ sơ đề cử, đến từ 71 quốc gia trên khắp 6 châu lục, trong đó 34,6% đối tác đề cử đến từ châu Á; 29,8% đến từ châu Mỹ; 16,2% từ châu Âu, 7% đến từ châu Đại Dương, và đặc biệt 12,4% đến từ châu Phi - tăng gấp 6 lần năm 2021. 

53 nhà khoa học thuộc nhóm 2% các nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.

405 nhà khoa học đến từ top các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, Hội đồng sơ khảo VinFuture gồm những nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nhà lãnh đạo uy tín quốc tế từ các tổ chức giáo dục nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu trên thế giới.

Hội đồng giải thưởng VinFuture gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Quỹ VinFuture là quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân – bà Phạm Thu Hương. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai. 

Vào ngày quốc tế đoàn kết nhân loại( 20/12/2020), Quỹ đã thành lập giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture.

Hệ thống giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó giải thưởng chính - trị giá 3 triệu đô la Mỹ - là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới; và 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Đây là điểm khác biệt nhân văn của VinFuture trong bối cảnh có rất ít giải thưởng tầm cỡ, giá trị lớn tôn vinh và cổ vũ cho các nhà khoa học ở những “vùng trũng” hoặc phải đối diện với nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học.

Với Việt Nam, Quỹ VinFuture và giải thưởng VinFuture đã góp phần nâng tầm vị thế đất nước trên bản đồ khoa học và công nghệ toàn cầu; đồng thời là cầu nối cộng đồng khoa học trong nước với các nhà khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, tạo động lực cho việc phát triển của khoa học công nghệ cao.

Kết quả của giải thưởng VinFuture lần thứ nhất đã vượt kỳ vọng của Hội đồng giải thưởng cả về số lượng, chất lượng lẫn khả năng ứng dụng thực tiễn của các đề cử. 

Các nhà khoa học được tôn vinh đều là chủ nhân của những thành tựu khoa học xuất chúng, có khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực và rộng rãi đến cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới trong hiện tại và tương lai.

Trong đó, giải thưởng chính đã được trao cho TS. Katalin Karikó, GS. Drew Weissman (Mỹ) và GS. Pieter Cullis (Canada) với nghiên cứu đột phá về vaccine mRNA. 

Đây được coi là công trình đột phá, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19, kịp thời bảo vệ mạng sống cho hàng tỷ người trên thế giới - đúng như tôn chỉ của giải thưởng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục