Những dấu hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế Italy

08:01' - 03/10/2022
BNEWS Theo dữ liệu sơ bộ, được Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 1/10, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9/2022 của Italy đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức tăng cao nhất trong gần 37 năm qua và cao hơn mức dự báo của thị trường trước đó là 8,7%.

 

Tuy nhiên, ISTAT cho biết trong tháng Chín, động lực của sự gia tăng lạm phát là do giá thực phẩm tăng, chứ không phải do hóa đơn năng lượng. Giá các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như thực phẩm và đồ gia dụng trong tháng Chín đã tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ khi tăng 12,2% vào tháng 7/1983.

Tuyên bố của ISTAT viết: "Tốc độ tăng hàng năm của tất cả các mặt hàng chủ yếu do giá thực phẩm bao gồm cả rượu (từ 10,1% lên 11,5%), thực phẩm chế biến bao gồm cả rượu (từ 10,4% lên 11,7%) và thực phẩm chưa qua chế biến (từ 9,8% lên 11%)”.

Giá năng lượng mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng đã giảm nhẹ, từ mức tăng 44,9% trong tháng Tám, giảm xuống 44,5% trong tháng Chín. So với tháng Tám giá tiêu dùng tháng Chín đã tăng 0,3%.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý năng lượng Italy (ARERA) cho biết giá điện vốn đã rất cao của nước này sẽ còn tăng hơn nữa, với hóa đơn trung bình của một gia đình tăng 59%. Theo cơ quan này, nếu không có các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn sự gia tăng, mức tăng sẽ là 100%. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ Italy đã chi hơn 60 tỷ euro cho các biện pháp làm giảm tác động của giá năng lượng tăng cao.

Một dấu hiệu đáng lo ngại nữa là mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Italy trong tháng 8/2022 đã giảm xuống 7,8%, so với mức 7,9% trong tháng Bảy, nhưng chỉ vì nhiều người đã từ bỏ tìm kiếm việc làm, khi nước này mất 74.000 việc làm trong tháng Tám. Tuy nhiên, ISTAT cho biết trong 3 tháng tính đến tháng Tám, số việc làm trong nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực đồng euro vẫn tăng 85.000, tương đương 0,4% so với giai đoạn từ tháng 3-5.

So với tháng 8/2021, số việc làm tại Italy đã tăng 406.000, tương đương mức tăng 1,8%.

Vào tháng Tám, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (những người tìm việc từ 15-24 tuổi), đã giảm xuống 21,2% từ 23,1% của tháng trước. Tỷ lệ việc làm nói chung cùng tháng của Italy, một trong những nước thấp nhất Khu vực đồng euro, đã giảm xuống 60,0% từ mức 60,2% trong tháng Bảy.

Triển vọng kinh tế của Italy khá u ám do lạm phát và nợ công cao. Trong quý II/2022, nước này đạt mức tăng trưởng 1,1%, nhưng hiện có dấu hiệu suy yếu do các công ty và hộ gia đình phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng cao. Bộ Tài chính Italy cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục