Những địa phương nào đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá?

10:52' - 29/07/2022
BNEWS Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã có tiến bộ và đạt 93,4%.

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số liệu thống kê mới nhất tính đến ngày 30/6, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã có tiến bộ và đạt 93,4%. Có 4 địa phương đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Cà Mau. Còn lại 24 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành theo quy định.

Đặc biệt, nhiều địa phương có tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thấp hơn trung bình cả nước như: Quảng Trị mới đạt 79,02%, Trà Vinh đạt 84,79%, Quảng Ngãi đạt 86,68%, Nghệ An đạt 87,31%, Tp. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Nam Định, Quảng Bình...

Theo Tổng cục Thủy sản, việc các địa phương chưa kiểm soát được các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình dẫn đến xảy ra tình trạng khai thác bất hợp pháp. Qua rà soát 102 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ có 43 tàu cá có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số còn lại là tàu chưa lắp đặt nhưng vẫn đi khai thác và vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Bên cạnh đó, việc trực khai thác, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá thiếu đồng bộ. Hiện mới chỉ có 20/28 tỉnh, thành phố tổ chức trực 24/24 giờ. Việc thực hiện quy định về quản lý thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá chưa đảm bảo theo quy định.

Vị trí lắp đặt chưa đảm bảo chống tháo thiết bị ra khỏi tàu; niêm phong, kẹp chì bị rỉ sét, dễ đứt... Hay tình trạng tàu cá mất kết nối giám sát hành trình diễn ra phổ biến, đặc biệt là tàu cá 24 mét trở lên mất kết nối trên 10 ngày.

Thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp được đánh giá quan trọng và có tính quyết định để kiểm soát các phương tiện một cách trực tiếp, liên tục. Đồng thời, là một công cụ quan trọng trong nỗ lực tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng với việc phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương sớm hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định, khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá để quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá địa phương trên biển.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển thực hiện nhập dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định để đáp ứng yêu cầu việc tra cứu thông tin, quản lý tàu cá ra vào cảng cá. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Các địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác theo quy định đảm bảo chất lượng nội dung có sự kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu giám sát hành trình. Cũng như đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, xử lý hành vi khai thác IUU.

Các tỉnh, thành phố theo dõi, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU về báo cáo, Nhật ký khai thác; không có Giấy phép khai thác thủy sản; không lắp đặt/ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình; khai thác sai vùng, vượt ranh giới phát hiện qua giám sát hành trình …

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với nhau để theo dõi, kiểm soát và xử lý tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn của tỉnh khác để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi khai thác IUU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục