Những diễn biến mới nhất trên các sàn chứng khoán châu Á

17:40' - 26/01/2018
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 26/1, giữa bối cảnh đồng USD tiếp tục mất giá và xu hướng bán tháo chốt lời diễn ra tại một số thị trường.
Chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất. Ảnh: dailymedscience.com
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 37,61 điểm (0,16%), xuống 23.631,88 điểm. Tính chung cả tuần qua, chỉ số này hạ 0,74%. Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei tăng điểm, sau khi đồng USD phục hồi nhờ các bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ đồng bạc xanh. Tuy nhiên, đà tăng này đã thoái trào vào giữa phiên khi giới phân tích nhận định rằng đồng tiền Mỹ sẽ tiếp tục suy yếu. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư quyết định bán tháo chốt lời giữa bối cảnh thị trường đang đối mặt với một số nhân tố bất ổn, trong đó đáng chú ý là bài phát biểu ngày 26/1 của Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 48 đang diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ (WEF Davos).
Các thị trường cổ phiếu khác cũng đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc đỏ gồm Wellington của New Zealand, Đài Bắc,Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan).
Tuy nhiên, đi ngược với diễn biến ảm đạm trên, một số thị trường chứng khoán châu Á khác lại khép phiên với đà tăng. Đáng chú ý, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch Thượng Hải và Hong Kong đồng loạt đi lên, được dẫn dắt bởi sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ. Đóng cửa phiên, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt ghi thêm 9,82 điểm (0,28%) và 499,67 điểm (1,53%), lên tương ứng 3.558,13 điểm và 33.154,12 điểm. Đây là mức chốt phiên cao kỷ lục của chỉ số Hang Seng, qua đó giúp chỉ số này ghi nhận tuần tăng điểm thứ bảy liên tiếp.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng chốt phiên ở mức cao kỷ lục phiên thứ hai liên tiếp, sau khi chứng kiến đà giảm ở đầu phiên, khi đồng won của Hàn Quốc đi xuống so với đồng USD. Cuối phiên này, chỉ số Kospi tăng 12,53 điểm (0,49%), lên 2.574,76 điểm.
Đà dịch chuyển của thị trường tiền tệ tác động đáng kể tới diễn biến của thị trường chứng khoán trong vài phiên giao dịch gần đây, nhất là sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhận định một đồng USD yếu hơn sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Phát biểu của ông Mnuchin đã khiến giá đồng USD giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, thậm chí rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014 so với đồng euro. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 25/1, quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ đã trần tình rằng phát biểu của ông về đồng USD không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ, trong bối cảnh thị trường biến động.
Chiều ngày 26/1, tại thị trường Tokyo, đồng USD được giao dịch ở mức 109,20 yen/USD, giảm so với mức 109,44 yen/USD ghi nhận trong phiên trước đó. Trong khi đó, tại thị trường London, đồng euro tăng hơn 0,5% so với đồng USD, lên 1,2465 USD/euro, không cách xa mức cao nhất kể từ tháng 12/2014. UBS Wealth Management mới đây đã nâng mức dự báo sáu tháng về đồng euro và đồng bảng Anh, lần lượt lên 1,28 USD/euro và 1,45 USD/bảng Anh. Sau cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu âu (ECB) ngày 25/1, Chủ tịch ECB Mario Draghi bày tỏ lo ngại về tính bất ổn của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, ông cho rằng nhu cầu mua vào đồng euro sẽ vẫn mạnh trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục