Những điều cần biết về cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

11:47' - 16/08/2017
BNEWS Bệnh tay chân miệng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng, do đó phụ huynh cần theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, ăn uống kém, lở miệng…
Những điều cần biết về cách phòng tránh bệnh tay chân miệng. Ảnh minh họa: Phương Vy-TTXVN

Bắt đầu từ tháng 8/2017, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung đã có dấu hiệu gia tăng.

Mặc dù mới vào đầu mùa dịch nhưng các bác sỹ cảnh báo phụ huynh không nên chủ quan với bệnh truyền nhiễm này.

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, khoa này đang có hơn 50 trẻ điều trị bệnh tay chân miệng.

Cá biệt, trong số trẻ bị tay chân miệng phải điều trị nội trú luôn có 2-3 trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nặng, thậm chí đã có trẻ phải thở máy.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tính từ đầu tháng 8 đến nay đã có hơn 2.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám ngoại trú và 153 trẻ nhập viện điều trị nội trú.

Bác sỹ Trần Thị Kim Vân, Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trung bình mỗi ngày, khoa này điều trị cho 30 ca bệnh tay chân miệng nội trú, trong đó có vài ca bệnh ở mức độ nặng.

Theo các bác sỹ, dù không có nhiều đột biến so với những năm trước nhưng dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng lên khi học sinh vào mùa tựu trường.

Do đó, phụ huynh không nên chủ quan bởi bệnh tay chân miệng có thể gây tử vong nếu trẻ mắc bệnh ở mức độ nặng.

Theo bác sỹ Trần Thị Kim Vân, bệnh tay chân miệng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng, do đó phụ huynh cần theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, ăn uống kém, lở miệng… để đưa trẻ vào bệnh viện kịp thời.

Bác sỹ Vân cũng cho biết, trẻ có các biến chứng như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình chới với, đi đứng loạng choạng, yếu tay chân… có thể dẫn đến tổn thương thần kinh sau này hoặc phụ thuộc vào máy thở.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh lưu ý, với những nốt ban trên người trẻ, không nên bôi hay xức bất kỳ loại thuốc gì, vệ sinh tắm rửa cho trẻ bình thường.

Với những nốt loét trong miệng khiến trẻ đau không nên dùng thuốc rơ miệng có thành phần thuốc tê, bởi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi.

Các bác sỹ cũng cảnh báo, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó quan trọng nhất vẫn là các biện pháp phòng ngừa; cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh; khử trùng thường xuyên các đồ vật mà trẻ hay chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa….

Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, đến giữa tháng 8/2017, thành phố có 2.966 ca bệnh tay chân miệng nhập viện.

Theo bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, dự báo từ nay đến cuối năm số ca mắc tay chân miệng sẽ tăng cao, do đó ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục tổng vệ sinh các trường học sạch sẽ, phun hóa chất khử khuẩn trước khi trẻ tựu trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục