Những điều cần biết về chứng quyền đảm bảo

12:10' - 15/08/2023
BNEWS Chứng quyền là gì? Cần biết gì về chứng quyền trước khi đầu tư? Là những vấn đề mà nhiều người còn chưa hiểu rõ.

Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant – CW) là gì?

Chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Các loại CW

Có hai loại chứng quyền có bảo đảm: chứng quyền mua và chứng quyền bán.

Chứng quyền mua là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.

Chứng quyền bán là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền bán một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.

 

Nhà đầu tư sở hữu CW khác với cổ đông như thế nào?

Nhà đầu tư sở hữu CW có chứng khoán cơ sở là cổ phiếu sẽ không có bất cứ quyền nào đối với công ty như cổ đông của cổ phiếu đó. Nhà đầu tư sở hữu CW sẽ không có: quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền nhận cổ phiếu thưởng đối với công ty phát hành cổ phiếu cơ sở,…. Tất cả các sự kiện doanh nghiệp liên quan đến cổ phiếu cơ sở của CW (nếu có) phát sinh, chứng quyền sẽ được

điều chỉnh thông qua giá thực hiện và tỷ lệ chuyển đổi.

Chứng quyền có bảo đảm luôn có thời hạn, do đó nhà đầu tư cần xem xét bán lại CW hoặc nắm giữ đến khi CW đáo hạn. Ngược lại, cổ đông có thể nắm giữ cổ phiếu cho đầu tư dài hạn.

Các thông tin cơ bản của một CW

Thông tinÝ nghĩa
Chứng khoán cơ sởChứng khoán cơ sở của chứng quyền có thể là cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số chứng khoán hoặc chứng chỉ quỹ ETF. Trong giai đoạn đầu triển khai CW tại Việt Nam, chỉ có cổ phiếu được chọn làm chứng khoán cơ sở.
Giá chứng quyềnLà khoản chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra nếu muốn sở hữu CW.
Giá thực hiệnLà mức giá để nhà đầu tư thực hiện quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở khi CW đáo hạn.
Tỷ lệ chuyển đổiCho biết số CW mà nhà đầu tư cần phải có để đổi lấy một chứng khoán cơ sở. Ví dụ: tỷ lệ chuyển đổi là 10:1, nghĩa là cần sở hữu 10 CW để mua một chứng khoán cơ sở
Thời hạn chứng quyềnLà thời gian lưu hành của CW, tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 24 tháng.
Ngày giao dịch cuối cùngLà ngày giao dịch trước hai (02) ngày so với ngày đáo hạn của chứng quyền có bảo đảm và là ngày cuối cùng mà chứng quyền còn được giao dịch. Trường hợp chứng quyền bị hủy niêm yết do chứng khoán cơ sở bị hủy niêm yết, ngày giao dịch cuối cùng của chứng quyền trùng với ngày giao dịch cuối cùng của chứng khoán cơ sở.
Ngày đáo hạnLà ngày cuối cùng mà người sở hữu chứng quyền được thực hiện chứng quyền.
Kiểu thực hiện quyềnGồm 2 kiểu thực hiện quyền: kiểu Châu Âu và kiểu Châu Mỹ. Trong giai đoạn đầu triển khai CW tại Việt Nam, CW chỉ được thực hiện quyền theo kiểu Châu Âu; Theo đó, người sở hữu CW chỉ được thực hiện quyền tại ngày đáo hạn
Phương thức thanh toán khi thực hiện quyềnBằng tiền mặt. Theo đó, người sở hữu CW sẽ nhận được khoảng tiền chênh lệch khi giá thanh toán của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện.

Ví dụ về CW

Nhà đầu tư mua 1.000 chứng quyền mua của cổ phiếu VNM với các thông tin sau:

Tỷ lệ chuyển đổi5:1
Giá thực hiện150.000 đồng
Giá VNM hiện tại145.000 đồng
Thời hạn chứng quyền6 tháng
Giá một chứng quyền1.000 đồng

Như vậy tổng số tiền đầu tư vào CW = 1.000 CW x 1.000 đồng = 1.000.000 đồng

- Sau 03 tháng:

Giả sử, giá VNM trên thị trường là 155.000 đồng, giá một chứng quyền mua trên thị trường là 1.500 đồng. Nhà đầu tư có thể chốt lời bằng việc bán lại CW ngay thời điểm này trên Sở GDCK.

Mức lời của nhà đầu tư = 1.000 x (1.500đồng - 1.000 đồng) = 500.000 đồng

- Vào ngày đáo hạn:

Giả sử nhà đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và giá thanh toán đối với cổ phiếu VNM được tính toán và công bố là 165.000 đồng.

Tổ chức phát hành sẽ thanh toán cho nhà đầu tư số tiền là: 1.000/5 x (165.000 đồng – 150.000 đồng) = 3.000.000 đồng

Mức lời của nhà đầu tư = 3.000.000 đồng - 1.000.000 đồng (tổng số tiền bỏ ra để sở hữu CW) = 2.000.000 đồng

Tuy nhiên, nếu giá thanh toán đối với cổ phiếu VNM được tính toán và công bố nhỏ hơn hoặc bằng 150.000 đồng (giá thực hiện) -> Chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện ≤ 0 đồng. Chứng quyền sẽ không được thực hiện và nhà đầu tư trong trường hợp này sẽ mất số tiền đầu tư vào CW là 1.000.000 đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục