Những điều cần biết về rút bảo hiểm xã hội một lần

11:21' - 29/07/2024
BNEWS Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là một chế độ quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Vậy trường hợp nào được rút BHXH và mức BHXH một lần cụ thể ra sao cũng như nên hay không nên rút BHXH một lần.

Theo Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc ban hành ngày 11/11/2015, trong đó có điều khoản quy định rõ hơn về các trường hợp được phép rút BHXH một lần.

4 trường hợp được rút BHXH một lần

Cụ thể, Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định 4 trường hợp được rút BHXH một lần đối với người lao động là công dân Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc và người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trường hợp thứ nhất, người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

Trường hợp thứ 2, người lao động sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

Trường hợp thứ 3, người lao động ra nước ngoài để định cư;

Trường hợp thứ 4, người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Khoản 2 điều 8 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP cũng quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Khoản 3 điều 8 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hồ sơ, giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 109 và các Khoản 3, 4 Điều 110 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Có nên rút bảo hiểm xã hội một lần?

Việc quyết định có nên rút bảo hiểm xã hội một lần hay không là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi người lao động phải cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố như:

Tuổi tác: Nếu còn trẻ, việc rút bảo hiểm xã hội một lần có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Kế hoạch tài chính: Cần đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu sử dụng số tiền này và khả năng tài chính trong tương lai.

Điều kiện sức khỏe: Việc có một khoản bảo hiểm xã hội để đối phó với các rủi ro về sức khỏe là rất cần thiết.

Do đó, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, người lao động nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia tư vấn về bảo hiểm xã hội để có được những thông tin chính xác và phù hợp nhất với trường hợp của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục