Những điều có thể bạn chưa biết về hoa ban

18:12' - 14/03/2017
BNEWS Từ ngày 11 đến 14/3, tại tỉnh Điện Biên đã diễn ra Lễ hội Hoa ban và ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ V.
Thi đấu môn giã bánh dày tại Lễ hội Hoa Ban năm 2017. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Đây là hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai-Tây Bắc.

* Hoa ban - biểu trưng của núi rừng Tây Bắc

Hoa ban là loài hoa đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc. Khi hoa đào đã tàn phai và những trận mưa xuân còn rơi rớt lại thì cũng chính là lúc mùa hoa ban bắt đầu. Hoa ban thường nở rộ vào tháng 3 dương lịch.

Cây ban thân mộc, không mọc thẳng mà khẳng khiu uốn khúc, chia cành phân nhánh. Về mùa đông cây ban tự mình trút lá, dồn nhựa vào thân, đợi sang xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc. Lá ban mọc cách, không xếp thành tán; lá hình móng bò, rất giống hai trái tim đặt cạnh nhau. Ban có hai loài, hoa đỏ và hoa trắng, loài hoa trắng chiếm đa số. Hoa ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa gồm từ 4-5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím; nhị hoa có vị ngọt.

Không biết có phải vì thế mà hoa ban theo tiếng Thái, có nghĩa hoa ngọt. Hằng nǎm, vào đầu tháng hai (âm lịch) hoa ban lác đác nở và rộ nhất, đẹp nhất là đầu tháng ba, đến đầu tháng tư thì hoa bắt đầu tàn. Lúc nở rộ, trông cây ban như chỉ có hoa mà không có lá. Người dân nơi đây coi hoa ban như thể nông lịch của mình, họ phát nương vào lúc hoa nở và tra hạt vào lúc hoa tàn; dùng hoa ban như một loại thức ăn: nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt mǎng chua.... và làm thuốc, trị ho, kiết lỵ.

Hoa Ban khoe sắc tại huyện Điện Biên Đông. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Hoa ban cũng rất tự nhiên đi vào đời sống vǎn hóa-tâm linh của người dân nơi đây, nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân nồng cháy, với những trò chơi thú vị hái hoa ban và hát giao duyên. Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ người thân yêu, còn có nỗi nhớ da diết hoa ban vào mỗi độ xuân về. Có người bảo hoa ban nở như giục mầm mǎng mọc, như báo hiệu cho mùa lễ truyền thống "Xên lẩu nó" bắt đầu.

Để cho hoa ban mãi đẹp trên mảnh đất Điện Biên, từ nhiều năm nay, tỉnh đã tổ chức trồng trên 5.000 cây dọc tuyến đường từ thành phố Điện Biên Phủ đến đỉnh đèo Pha Đin-cửa ngõ của tỉnh.

* Sự tích hoa ban

Trong kho tàng vǎn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc, hoa ban xuất hiện trong các trường ca, các truyền thuyết và các câu chuyện kể bên bếp lửa hằng đêm.

Hiện nay, trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc có nhiều sự tích về hoa ban, nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng hoa ban làm biểu tượng cho tấm lòng thủy chung trong tình yêu đôi lứa, biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc, no ấm.

Trong đó có sự tích về người con gái tên Ban xinh đẹp nết na với giọng hát làm mê đắm lòng người. Trái tim nàng sớm đã dành trọn cho chàng Khum dù rằng có rất nhiều trai làng theo đuổi. Vì chê Khum nghèo, cha Ban đã ép gả cô cho con trai của một trọc phú quanh vùng, vừa gù vừa lười biếng và xấu tính. Nàng trốn chạy khỏi nhà, tìm đến với người yêu để kêu cứu nhưng lúc này Khum lại đi xa. Không quản xa xôi cách trở, Ban buộc chiếc khăn Piêu của mình vào chân cầu thang để làm dấu rồi vượt đèo vượt suối đi tìm Khum. Nàng đi mãi đi mãi cho đến khi kiệt sức và gục chết tại một con suối.

Cứ mỗi độ xuân sang, nơi này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt. Dân mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thuỷ. Về phần chàng Khum, về đến nhà, nhìn thấy chiếc khăn Piêu, hiểu ra sự tình chàng vội vã đi tìm Ban để rồi cũng chết vì kiệt sức. Khum hóa thành con chim, sống cuộc đời lẻ loi, bay khắp núi rừng với hy vọng tìm ra người yêu. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục