Những dự báo về khả năng chấm dứt thương chiến Mỹ-Trung

12:49' - 07/10/2019
BNEWS Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài suốt hơn 1 năm quá, khiến nhiều ý kiến cho rằng hai nước đã bước vào một cuộc chiến thương mại lâu dài và tốn kém.
Trong ảnh (tư liệu): Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái), Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 2, trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) tại vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định có những lý do khá thuyết phục để hai nền kinh tế nhất nhì thế giới làm hòa với nhau càng sớm càng tốt.

Thứ nhất, chiến lược áp thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc không phải là một công cụ hữu hiệu để giải quyết sự mất cân bằng thương mại song phương, vốn chủ yếu bắt nguồn từ những yếu tố cơ cấu ở trong nước. Giảm sự mất cân bằng thương mại đòi hỏi mỗi nước phải thực hiện những điều chỉnh cơ cấu lớn.

Đối với Trung Quốc, mucn tiêu sẽ là mở rộng nhập khẩu và tăng lượng tiêu thụ nội địa, trong khi đối với Mỹ, nhiệm vụ là giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm.

Hơn nữa, đối với Mỹ, các chính sách thuế quan "ăn miếng trả miếng" sẽ có tác động méo mó đối với việc sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế trong nước. Nguồn thu từ việc áp thuế chỉ có thể bù đắp một phần cho những thiệt hại của các nhà sản xuất Mỹ.

Những thiệt hại này được gộp lại khi chính quyền Mỹ áp dụng các mức thuế quan cho tất cả các hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa bậc trung.

Mỹ về cơ bản đã hiểu sai nguyên nhân và hậu quả của thâm hụt thương mại với Trung Quốc mà không nhận ra rằng sự tái cân bằng toàn cầu để đối phó với các vấn đề cơ cấu tiềm ẩn đã xảy ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Thứ hai là thực tế cho thấy là một phần của sự tái cân bằng toàn cầu, tỷ lệ xuất khẩu trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã giảm từ 35% năm 2006 xuống còn khoảng 17% vào năm 2018 và đóng góp tiêu dùng vào GDP đã tăng lên mức 76% vào năm 2018. Thặng dư tài khoản hiện tại trong GDP đã giảm từ 11% trong năm 2007 xuống dưới 1% vào năm 2018.

Cùng với dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ tiết kiệm giảm, xu hướng này sẽ tiếp tục hướng tới nền thương mại cân bằng hơn.

Nếu nhìn từ góc độ này, sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một hiện tượng nhất thời chứ không phải là vĩnh viễn.

Do đó, việc chống lại sự mất cân bằng thương mại thông qua các biện pháp thuế quan và phi thuế quan đơn giản là không phù hợp với lợi ích kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc.

Lý do thứ ba là "ăn miếng trả miếng" trong căng thẳng thương mại không giải quyết được sự mất cân bằng thương mại song phương - thay vào đó, nó làm suy yếu tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trong thế giới kết nối hiện nay, một quốc gia không thể phát triển mạnh mẽ bằng cách tự cô lập khỏi nền thương mại quốc tế, dòng vốn và các công nghệ tiên tiến hơn.

Một sự thật đơn giản là Mỹ không thể phát triển mạnh sau một bức tường thuế quan cao chót vót và Trung Quốc cũng không thể thể tái cấu trúc thành công mô hình tăng trưởng và phát triển mà không cần dựa vào các thị trường và công nghệ toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tất cả các nền kinh tế lớn và mới nổi đã bắt đầu giảm tốc và giới quan sát đang lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, việc chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng, và tùy thuộc vào cách cuộc chiến đó kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục