Những hạng mục nào đã được triển khai tại sân bay Long Thành?

16:00' - 31/08/2023
BNEWS Sân bay Long Thành được khởi công ngày này 5/1/2021, ngay sau đó ACV đã triển khai ngay nhiều hạng mục, gói thầu quan trọng, đến nay nhiều gói thầu đang hoành thành theo kế hoạch đặt ra.
Chiều 31/8, hạng mục nhà ga hành khách, đường băng, sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) thuộc hai gói thầu 5.10 và 4.6 được chủ đầu tư – Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công xây dựng. Trước đó, nhiều hạng mục khác đã được thi công.

Giai đoạn 1 của dự án xây dựng sân bay Long Thành chính thức được khởi công ngày này 5/1/2021, ngay sau lễ khởi công dự án đã triển khai ngay nhiều hạng mục, gói thầu quan trọng, tính đến trước ngày khởi công gói thầu chính là xây dựng nhà ga hành khách,  chủ đầu tư và các nhà thầu đang triển khai từng gói thầu theo các kế hoạch đặt ra.

Đối với gói thầu san và thoát nước nền được khởi động từ 6/2/2022. Đây là một trong những gói thầu quan trọng của dự án sân bay Long Thành. Gói thầu này kéo dài 38 tháng và dự kiến về đích trước 4 tháng so với kế hoạch (tức là hoàn thành cuối năm 2023).

Theo nhà thầu, giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2022-2023, liên danh nhà thầu đã huy động đến công trường hơn 1.800 máy móc, xe, thiết bị; thi công liên tục 24/24 giờ. Đến nay đã đào đắp 110 triệu khối, hoàn thành hơn 91% khối lượng.  Việc đào đắp, san nền được làm cuốn chiếu, ưu tiên làm trước tại khu vực nhà ga, đường băng cất, hạ cánh.

Gói thầu này có liên danh 6 nhà thầu trúng thầu gồm: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC; Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8;  Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn;  Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex)

Về gói thầu móng cọc nhà ga (gói thầu 5.6) được khởi công cuối tháng 6/2022. Tổng cộng có 1.545 cọc đại trà được thi công. Gói thầu này đã hoàn thành vào giữa tháng 9/2022, vượt tiến độ trước 1 tháng so với kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai thi công phần thân nhà ga được khởi công ngày 31/8 hôm nay.

Đối với các công trình phục vụ quản lý bay, gói thầu này hiện đang được thi công. Đây là gói thầu xây dựng chính của dự án với đài kiểm soát không lưu có chiều cao 123m được trang bị radar trên tháp.   

Đài Kiểm soát không lưu và công trình phụ trợ có diện tích 24.000 m2 được xây dựng để kiểm soát hoạt động của máy bay tại Long Thành và trong vùng trời.  Đài được thiết kế hình búp sen có màu sắc và kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách. Tháp điều hành cao 123 m gắn radar trên đỉnh, diện tích xây dựng khoảng 80 m2, đường kính thân tháp 10 m. Các thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hóa và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.

Gói thầu do liên danh nhà thầu Tổng công ty 36 - Công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (NEWTATCO) - Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) đảm nhiệm với tổng giá trị hơn 485 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM)

Dự án thành phần 2 gồm 5 công trình chính; trong đó đường găng tiến độ của dự án phụ thuộc vào tiến độ thi công công trình đài kiểm soát không lưu.  Giai đoạn 1 của công trình này là hạng mục cọc và đài cọc đài kiểm soát không lưu đã được khởi công xây dựng ngày 29/9/2022 và hoàn thành năm 2025.

Đối với gói thầu thi công đường T1, T2 (Gói thầu 6.12) có giá trị hợp đồng hơn 2.630 tỷ gồm hai tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành là tuyến số 1 và tuyến số 2, cũng do ACV làm chủ đầu tư. Hai tuyến đường này chính thức được khởi công sáng ngày 14/7 vừa qua. Dự kiến thời gian thi công là hơn 2 năm.

Tuyến chính số 1 dài 4,3km với vận tốc thiết kế đạt 80km/h theo tiêu chuẩn đường chính đô thị kết nối giao thông từ cảng hàng không quốc tế Long Thành đến khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Tây của cảng.

Tuyến chính số 2 dài 3,5km với tiêu chuẩn đường cao tốc cùng vận tốc thiết kế đạt 100km/h nằm trên tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn giữa cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Ngoài ra, tuyến giao thông kết nối số 1 còn là tuyến đường lưu thông, vận chuyển máy móc, trang thiết bị chính phục vụ công tác thi công xây dựng các hạng mục sau này của dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Trước đó, ngày 11/7/2023, ACV đã trao hợp đồng gói thầu 6.12 cho các nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh.

Đối với nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành (gói thầu 5.10) được khởi công ngày 31/8 được thiết kế, xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, bảo đảm độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không.  Đồng thời, còn sử dụng các loại vật liệu bao che bảo đảm tiết kiệm năng lượng cho nhà ga và thân thiện với môi trường.

Nhà ga hành khách với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế gồm: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục được bố trí theo dạng tập trung. Điểm nhấn kiến trúc là ô lấy sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga, nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn.

Nhà ga được xây trên khu đất rộng 150ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu. Tầng 1 là khu cửa hàng miễn thuế, nơi thực hiện các chuyến bay nối chuyến, nhập cảnh và nhận hành lý. Tầng 2 là nơi hành khách có thể ăn uống, mua sắm trong lúc chờ chuyến bay. Tầng 3 là khu vực làm thủ tục hải quan, an ninh, xuất nhập cảnh. Tất cả đều được trang bị các máy móc hiện đại, nhận diện hành khách bằng quét khuôn mặt, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo)..

Đối với gói thầu 4.6 là gói thầu lớn thứ hai thuộc dự án thành phần 3 của dự án sân bay Long Thành cũng được khởi công ngày 31/8 gồm các hạng mục như sân đường khu bay với đường cất hạ cánh với chiều dài 4.000m, rộng 75m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối với diện tích khoảng 69,3 ha; sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha.

Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giao thông đi kèm như hệ thống đường công vụ khu bay có tổng chiều dài 29,67 km; hệ thống thoát nước mưa khu bay…  Các công trình phụ trợ như hệ thống hàng rào an ninh khu bay, bốt gác để đảm bảo công tác an ninh, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài, hệ thống đèn hiệu sân bay, hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay, hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác…

 

Dự án sân bay quốc tế Long Thành được Quốc hội ra Nghị quyết chủ trương đầu tư ngày 25/6/2015. Tháng 11/2019, Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) giai đoạn 1 của dự án.

Dự án này có tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 336.630 tỷ đồng, tương đương hơn 16 tỷ USD khi hoàn thành cả 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2021-2025) tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng. Giai đoạn này sẽ xây dựng đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay.

Đồng thời triển khai một nhà ga hành khách và hàng hóa công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. 64 vị trí đỗ máy bay 4.200 chỗ đỗ xe.

Ngoài ra còn triển khai trạm cung cấp nhiên liệu trạm bảo trì máy bay và khu tiếp phẩm.

Giai đoạn 2 (từ 2025-2030) sẽ xây dựng thêm một đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 75m. Cộng thêm một nhà ga hành khách công suất 50 triệu hành khách/năm; 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3 (từ 2035-2040) sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách; công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Sân bay Long Thành được triển khai quy mô rộng 5.000ha, sân bay cấp 4F (mức cao nhất) theo tiêu chuẩn của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế).  Theo đánh giá của ACV, dự kiến khi đi vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ đón 80% khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục