Những hành trình Vì tương lai Xanh

10:30' - 10/02/2024
BNEWS Trên bước đường mang đồng vốn tín dụng và trách nhiệm an sinh góp phần thay đổi đời sống kinh tế, xã hội của mỗi vùng miền, Agribank đã và đang viết tiếp hành trình Vì tương lai Xanh của đất Việt.

Biên giới, biển đảo luôn là phần thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt mỗi dịp Tết đến, Xuân về, khi không khí đoàn viên ấm áp lan tỏa trong mỗi gia đình Việt, thì những cảm xúc, tình cảm dành cho phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc càng mãnh liệt. Trên bước đường mang đồng vốn tín dụng và trách nhiệm an sinh góp phần thay đổi đời sống kinh tế, xã hội của mỗi vùng miền của đất nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và đang viết tiếp hành trình Vì tương lai Xanh của đất Việt. 

* Xanh biên cương...

Dẫu không phải lần đầu tiên đặt chân lên Cột mốc A Pa Chải thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên), điểm cực Tây của Tổ quốc, điểm phân chia ranh giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nhưng chuyến đi của tôi vẫn đầy hào hứng và xúc động.

Không chỉ bởi 250 km từ thành phố Điện Biên Phủ vào huyện Mường Nhé tuy vẫn quanh co, khúc khuỷu, nhưng con đường đã láng nhựa mịn đẹp, thấp thoáng những thị tứ, bản làng giữa màu xanh hun hút của núi rừng biên cương…

Không chỉ bởi đường lên Cột mốc hôm nay, một chặng ô tô, một chặng xe máy tăng-bo là đã lên đến sát chân Cột mốc, không còn cảnh cuốc bộ băng rừng, trèo núi, hành quân từ sớm tinh mơ cùng các chiến sỹ Đồn biên phòng A Pa Chải đến quá trưa mới nhìn thấy Cột mốc như cách đây chừng mươi năm tôi đã từng đi…

Không chỉ bởi giây phút thiêng liêng khi được cùng các chiến sỹ quân hàm xanh biên cương trang nghiêm chào Cột mốc cực Tây thương yêu của Tổ quốc…

Mà còn bởi, hành trình này thực sự là hành trình Vì tương lai Xanh - như slogan của Agribank - thương hiệu gắn bó thân thiết với người dân Việt Nam trên mọi miền, khi 10 tấn gạo được Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cùng đoàn công tác Agribank tỉnh Điện Biên trao tới từng điểm trường tại nhiều xã biên giới xa xôi của huyện Mường Nhé…

Tới điểm trường nào chúng tôi cũng nhận được sự ấm áp, chân tình trong mỗi ánh mắt, nụ cười của thầy cô giáo và các em học sinh. Xúc động hơn cả là nhiều điểm trường ở các xã như Nậm Kè, Sín Thầu… dù còn chật hẹp, dù vẫn thiếu thốn, nhưng mỗi lớp học, phòng bán trú hay mỗi góc sân trường, khoảnh vườn rau phục vụ bữa ăn của học sinh đều sạch sẽ, ngăn nắp, cho thấy bàn tay chăm chút của các thầy cô, của cha mẹ học sinh và của không ít tấm lòng hảo tâm dành cho những mầm non tương lai của vùng đất biên cương Tổ quốc.

Tận tay trao từng phong bánh cho các em nhỏ Trường phổ thông dân tộc bán trú Sín Thầu đang háo hức với niềm vui đón khách, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng xúc động chia sẻ: “Những em học sinh bé nhỏ vượt khó băng rừng, lội suối đến trường hôm nay chính là tương lai của mỗi gia đình bà con các dân tộc thiểu số nơi đây và cũng chính là tương lai của biên cương đất nước. Với ý nghĩa đó nên nhiều chương trình, hoạt động an sinh xã hội của Agribank luôn hướng đến việc cải thiện điều kiện học hành cho con em nông dân, bởi đó chính là tương lai của nông thôn Việt Nam, nông nghiệp Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Mường Nhé cho biết, đứng chân trên địa bàn huyện đặc biệt khó khăn và là “điểm lõm” về kinh tế như Mường Nhé, cùng với nhiệm vụ đưa đồng vốn đến cho bà con phát triển kinh tế, Agribank huyện Mường Nhé luôn quan tâm công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Chi nhánh chỉ có 12 cán bộ, phụ trách địa bàn hơn 1.500 km2, gần như là ngân hàng thương mại duy nhất hoạt động trên địa bàn, bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng năm 2023, Agribank huyện Mường Nhé vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt với tổng nguồn vốn huy động đạt trên 334 tỷ đồng, tăng 34% và đạt 123% kế hoạch. Tổng dư nợ trên 252 tỷ đồng, tăng trên 11 tỷ đồng so với đầu năm. Song song với hoạt động kinh doanh, công tác an sinh xã hội và từ thiện thường xuyên được quan tâm với nhiều hoạt động chia sẻ, gắn bó với bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bà Pờ Mý Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết, nguồn vốn Agribank đã hỗ trợ đồng bào Sín Thầu từng bước xóa đói, giảm nghèo, kinh tế ngày càng khá giả hơn từ phát triển trang trại chăn nuôi, trồng rừng… Nhờ đó, từ xuất phát điểm của một xã nghèo với 96% dân số là dân tộc Hà Nhì, Sín Thầu trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

“Điều đáng mừng nhất là bà con dân tộc nơi đây tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng, tuyệt đối giữ gìn và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh biên giới”, nữ Bí thư Đảng ủy người dân tộc Hà Nhì Pờ Mý Lế khẳng định.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết, những năm gần đây, Agribank chi nhánh tỉnh Ðiện Biên luôn dành tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân khoảng trên 55% tổng dư nợ; tích cực hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thời gian tới, Agribank Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh cho vay các đối tượng ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay theo chuỗi liên kết. Đồng thời đẩy mạnh phương thức đầu tư cho nông nghiệp nông thôn thông qua tổ vay vốn, vận hành hiệu quả ngân hàng lưu động, tạo điều kiện cho khách hàng vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.

* Xanh biển đảo...

Cũng trong mùa xuân này, đồng hành cùng Chương trình “Xuân Trường Sa” năm 2024, Agribank tham gia tài trợ 1 tỷ đồng. Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cùng đoàn công tác của Agribank đã ra thăm, tặng quà, tặng máy phát điện và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo Trường Sa; trao tặng 15 sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu đồng cho các gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Agribank nhiều năm liền đồng hành cùng chương trình "Xuân Trường Sa" như một hoạt động ý nghĩa tri ân các cán bộ chiến sĩ đã và đang ngày đêm thầm lặng giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương. Với tình yêu biển đảo quê hương, vì tình cảm với quân và dân đang ngày đêm bám biển khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gần 40 nghìn cán bộ, người lao động toàn hệ thống Agribank đã tích cực tham gia ủng hộ hàng chục tỷ đồng hưởng ứng các chương trình: Cả nước vì Trường Sa; Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa; Ngân hàng Việt Nam với Trường Sa thân yêu; Vì Trường Sa thân yêu…

Trước đó, với phương châm “Đất liền hướng về đảo xa”, đoàn công tác của Agribank cũng vừa có hải trình đến 5 đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam để thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Những tình cảm đó đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính nơi đảo xa quyết tâm bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank chia sẻ: “Chứng kiến tình cảm quân dân thắm thiết, sự thay đổi về đời sống, cơ sở vật chất của các lực lượng đứng chân và người dân trên các đảo, chúng tôi rất cảm động, phấn khởi. Thời gian qua, Agribank ngoài nhiệm vụ của một ngân hàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã luôn đồng hành với các lực lượng ở các tuyến biên giới, hải đảo”.

Tính đến nay, Agribank đã hỗ trợ 25.000 phương tiện đánh bắt cá xa bờ, giúp ngư dân bám biển ở các ngư trường, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo. Dịp này, Agribank trao quà Tết trị giá gần 800 triệu đồng tặng cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân và quân dân các đảo vùng biển Tây Nam.

* Nối dài những hành trình Xanh

Những ngày Tết Giáp Thìn, các chi nhánh Agribank ở khắp mọi miền đất nước tích cực triển khai chương trình an sinh xã hội “Agribank chung tay vì người nghèo, đối tượng chính sách Xuân Giáp Thìn”. Với mong muốn mọi người, mọi nhà được đón Tết Giáp Thìn 2024 an vui, đầm ấm, Agribank dành hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ hàng trăm nghìn người nghèo, gia đình chính sách trên cả nước. Hoạt động này được toàn hệ thống Agribank tích cực hưởng ứng tham gia, viết tiếp truyền thống Ngân hàng Vì cộng đồng.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn tặng quà hỗ trợ hộ cận nghèo, đối tượng chính sách quận Hà Đông (Hà Nội) nhân dịp Tết Giáp Thìn. Ảnh: Khánh Ly/BNEWS/TTXVN

Từ nguồn tài chính và sự hưởng ứng của cán bộ, người lao động toàn hệ thống, năm 2023, Agribank ủng hộ hơn 500 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; khắc phục hậu quả thiên tai…

Trong đó, riêng kinh phí đầu tư cho giáo dục hơn 140 tỷ đồng; đầu tư xây dựng công trình và mua sắm thiết bị y tế hơn 106 tỷ đồng; kinh phí dành để xây dựng nhà ở cho người nghèo hơn 140 tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai hơn 37 tỷ đồng; kinh phí dành cho các hoạt động xã hội khác là hơn 72 tỷ đồng...

“Vì tương lai Xanh” vốn là tên gọi của chương trình trồng 1 triệu cây xanh, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 nhằm bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu được Agribank tiên phong triển khai từ năm 2020 đến nay. Nhưng với ý nghĩa rộng hơn của hành động trồng cây xanh, nguồn vốn xanh đồng ruộng, xanh biển rừng, xanh biên cương, xanh hải đảo của Agribank cũng chính là hành trình vì những mầm xanh của mỗi gia đình trên mọi miền Tổ quốc.

Và hành trình đó vẫn tiếp tục nối dài, bằng sự tận tậm và trách nhiệm của một ngân hàng mang thương hiệu Ngân hàng Vì cộng đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục