Những hậu quả từ thói quen dùng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

18:20' - 28/09/2018
BNEWS Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tràn lan không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe mà còn gây lãng phí hàng trăm triệu USD/năm.
Hiện trường một vụ chiết thuốc bảo vệ thực vật trái phép. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN

Tại hội thảo “Môi trường nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Hiện trạng và thách thức” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 28/9 tại Cần Thơ, ông Nguyễn Hồng Tín, Trưởng bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) cho biết, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tràn lan không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe mà còn gây lãng phí hàng trăm triệu USD/năm.

Dẫn báo cáo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực trồng trọt (cây lúa) vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Tín cho biết, có từ 40 - 70% nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn liều khuyến cáo (sử dụng dư 10 - 30% mức khuyến cáo, chiếm gần 20% chi phí sản xuất), gây lãng phí 400 triệu USD/năm.

Có 30% nông dân phối trộn nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng, sử dụng nhiều lần/vụ (4 - 5, thậm chí 10 lần/vụ). Người dân ít kiến thức về sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật, ít quan tâm đến thời gian cách ly, còn sử dụng thuốc cấm, ít sử dụng bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc.

Một nông dân ở xã Hưng Hội huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay các loại sâu bệnh gây hại trên lúa đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc, do đó, ông thường mua nhiều loại thuốc về pha trộn với nhau rồi phun xịt để tăng hiệu quả thay vì chỉ sử dụng một loại như trước đây.

Tuy nhiên, cũng như nhiều nông dân khác, ông chưa có thói quen sử dụng bảo hộ lao động khi sử dụng các loại phân, thuốc. Điều này có thể không ảnh hưởng ngay đến sức khỏe nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ rất nguy hại.

Với mặt hàng phân bón, xu hướng sử dụng tăng cả số lượng và số lần bón, sử dụng trên mức khuyến cáo và chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán; phân bón giả, kém chất lượng tràn lan (có nghiên cứu công bố chiếm tới 50% số lượng phân bón trên thị trường).

Chi phí phân bón chiếm khoảng 30% tổng chi phí sản xuất, lãnh phí hàng năm 150 triệu USD, thải ra môi trường khoảng 865.000 tấn tồn dư của phân bón hóa học.

“Có lẽ không có quốc gia nào dễ kiếm thuốc bảo vệ thực vật như ở Việt Nam” - ông Nguyễn Hồng Tín nói khi dẫn chứng việc thuốc bảo vệ thực vật và phân bón được sử dụng quá nhiều và phổ biến tại Việt Nam (hơn 1.500 hoạt chất được cho phép sử dụng). Cùng với đó là việc quản lý trong sử dụng và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật còn yếu kém.

Tại thành phố Cần Thơ, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên 2.529 tấn; trong đó lượng bao bì chiếm 10% tổng khối lượng thuốc sử dụng, tương đương khoảng 253 tấn. Ngoài ra, còn có khoảng 4,7 tấn thuốc sót lại bám trên bao bì.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, mặc dù ngành nông nghiệp Cần Thơ đã hỗ trợ 109 hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng cho các quận, huyện nhưng đến nay, lượng rác thải nguy hại từ hoạt động nông nghiệp của địa phương này được thu gom và tiêu hủy mới chỉ đạt 5,7 tấn (khoảng 2,3%).

Phần lớn còn lại được nông dân chôn, đốt hoặc bán phế liệu. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây nguy hại cho cộng đồng và môi trường.

Năm 2017, lượng nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh, đưa tổng sản lượng mặt hàng này lên khoảng 650.000 tấn (gồm nguyên liệu, hóa chất); trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 54% với kim ngạch 524 triệu USD.

Về phân bón, năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cung cấp phân bón cho Việt Nam với 1,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 457 triệu USD, lượng phân bón sử dụng phần lớn cho cây lúa (chiếm 65%).

Hơn 400 văn bản về ngành hàng lúa được ban hành, các tỉnh cũng có chương trình, dự án hỗ trợ... nhưng thực thi, giám sát yếu, mâu thuẫn khi ứng dụng vào thực tiễn, ít đánh giá hiệu quả. Trong khi đó, những nghiên cứu, số liệu về ô nhiễm không liên tục, chưa được chia sẻ, công bố và sử dụng hiệu quả...

Việc sử dụng quá liều các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến các chất độc hại tồn dư trong thực phẩm, trong nước, gây nên các bệnh đường hô hấp, da, bệnh phụ nữ và ung thư, ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng dân số.

Đối với kinh tế, điều này làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân, giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam khi các lô hàng xuất khẩu bị trả về./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục