Những hệ lụy khó lường từ việc áp giá trần và lệnh cấm dầu thô Nga
Từ ngày 5/12, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và Australia bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng.
Cũng từ thời điểm này, lệnh cấm mua dầu thô của Nga do EU áp đặt chính thức có hiệu lực. Các đòn trừng phạt của phương Tây được cân nhắc kỹ lưỡng hòng tạo ra tác động như mong muốn, song hậu quả đối với thị trường dầu mỏ thế giới và vấn đề an ninh có thể sẽ khó lường.
Ý tưởng áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga do G7, trên thực tế do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, đề xuất nhằm làm giảm nguồn thu của Nga nhưng vẫn muốn đảm bảo dầu thô từ Nga tiếp tục được cung cấp ra thế giới, qua đó tránh kịch bản giá dầu tăng đột ngột.
Cơ sở để “Liên minh giá trần” áp đặt biện pháp này là việc phương Tây nắm trong tay các công ty vận tải biển và bảo hiểm danh tiếng, vốn cung cấp 85-90% bảo hiểm, tái bảo hiểm và dịch vụ cho xuất khẩu dầu thô của Nga. EU khẳng định việc áp giá trần không ảnh hưởng tới lệnh cấm vận toàn diện đối với dầu mỏ Nga, tức là các nước thành viên của liên minh sẽ không mua dầu thô có nguồn gốc từ Nga được vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5/12 theo quyết định được thông qua từ hồi tháng 6.
Trong thông báo ngày 3/12, Ủy ban châu Âu (EC) làm rõ hơn mục đích của việc áp giá trần là nhằm ổn định thị trường năng lượng thế giới mà cơ quan này đánh giá đã bị cuộc chiến ở Ukraine “thổi phồng”. EC tin rằng điều này cũng sẽ giúp giải quyết tình trạng lạm phát, giữ giá năng lượng ổn định giữa lúc giá cả tăng cao ảnh hưởng tới tất cả các nước thành viên EU. Theo EC, mức giá trần 60 USD/thùng không cố định mà sẽ được xem xét trong tương lai để phản ánh biến động thị trường.
Trước đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết EU đã nhất trí cơ chế điều chỉnh để giá trần luôn thấp hơn giá trị trường ít nhất 5%. EC cảnh báo các tàu biển cố tình vận chuyển dầu thô của Nga được bán cao hơn giá trần sẽ bị cấm cung cấp bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, EC khẳng định nếu được tuân thủ, việc áp giá trần giúp duy trì nguồn cung dầu mỏ của Nga với giá thấp và bên hưởng lợi chính là các nước thứ ba, bao gồm các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng mức giá trần 60 USD/thùng là sự thỏa hiệp nội bộ EU và vì lợi ích của chính các nước thành viên trong liên minh. Phương án 65-70 USD/thùng do G7 đề xuất vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Ba Lan và một số quốc gia Baltic, trong khi phương án 30 USD do Ba Lan yêu cầu bị Hy Lạp cùng một số quốc gia có đội tàu vận tải biển hùng hậu phản đối. Bước đi này của EU còn được coi là cách “gỡ thể diện” khi vừa có thể thực thi một phần lệnh cấm vận dầu mỏ vốn nằm trong gói trừng phạt chống lại Nga được thông qua từ hồi tháng 6, vừa giữ lại “việc làm” cho các công ty vận tải biển, bảo hiểm và tài chính của mình. Quan trọng hơn, EU muốn tránh cú sốc do giá dầu tăng đột ngột trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của liên minh này trong tháng 10 vừa qua lên mức cao kỷ lục 11,5% và đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế.
Phản ứng ngay sau khi EU thông báo hoàn tất phê chuẩn thỏa thuận áp giá trần đối với dầu thô của Nga, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Moskva không chấp nhận và sẽ sớm có biện pháp sau khi phân tích tình hình. Phó Thủ tướng Nga Alexandr Novak nhấn mạnh Nga sẽ không bán dầu cho các nước áp đặt giá trần, đồng thời đang xây dựng cơ chế cấm áp dụng giá trần với bất kỳ mức nào. Ông Novak nhắc lại quan điểm của Moskva coi bước đi của phương Tây là sự can thiệp thô bạo và phi thị trường, sẽ càng gây thêm bất ổn, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung và giảm đầu tư cho ngành năng lượng.
Phó Thủ tướng Nga khẳng định nước này sẽ chỉ cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu theo cơ chế thị trường ngay cả khi phải cắt giảm khai thác. Đại sứ quán Nga tại Mỹ tuyên bố phương Tây đang cố gắng định hình lại các nguyên tắc cơ bản về hoạt động của thị trường tự do. Theo cơ quan đại diện Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay do chính Mỹ tạo ra và việc áp đặt giới hạn giá dầu càng làm gia tăng tình trạng không chắc chắn cũng như chi phí của người tiêu dùng.
Chuyên gia Nga Alexander Potavin nhận định, sẽ có 3 kịch bản đối với thị trường dầu mỏ của Nga sau ngày 5/12. Trong kịch bản tốt nhất, giá dầu của Nga sẽ tăng lên 70 USD/thùng và sản lượng khai thác không giảm so với mức 10,8 triệu thùng/ngày hiện nay. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu Ural của Nga giảm xuống còn 50 USD/thùng và sản lượng sẽ giảm 1,2 triệu - 1,7 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, chuyên gia này thiên về kịch bản giá dầu của Nga duy trì ở mức 60 USD/thùng và sản lượng khai thác sẽ chỉ giảm 0,3-0,5 triệu thùng/ngày. Đây cũng là kịch bản mà giới phân tích phương Tây thừa nhận hầu như không tác động đến nguồn thu từ dầu mỏ của Nga bởi trên thực tế dầu Ural của Nga đang được xuất khẩu quanh ngưỡng 60 USD/thùng trong khi chi phí khai thác vào khoảng 20 USD/thùng. Các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẵn sàng mua dầu thô của Nga sau ngày 5/12 và có thể thực hiện nhiều biện pháp nhằm ứng phó với sự áp đặt của phương Tây.
Ngoài ra, Nga vẫn đang xuất khẩu khoảng 30% sản lượng dầu mỏ của mình cho Trung Quốc và một số nước châu Âu qua hệ thống đường ống, vốn không chịu tác động của các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, do gặp khó khăn về kinh tế trong khi vẫn đang tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga tiếp tục phải dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ. Do đó, dự báo được đưa ra là Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ ngay cả khi mức giá trần thấp hơn nữa.
Nhưng những phát biểu của giới chức Nga cho thấy nước này không loại trừ khả năng cắt giảm mạnh nguồn cung ra thị trường thế giới khi bị dồn vào thế bí. Với tư cách là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu, đồng thời là quốc gia có tiếng nói quan trọng trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), mỗi động thái của Nga chắc chắn sẽ tác động lớn tới thị trường dầu mỏ nói riêng, thị trường năng lượng thế giới nói chung. Khi bình luận về việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga, Viện Brookings đã nhắc lại diễn biến giá dầu kể từ năm 2020 cho tới thời điểm hiện tại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo đó, sau khi rơi xuống mức thấp kỷ lục 20 USD/thùng vào thời điểm đại dịch COVID-10 bùng phát, giá dầu đã hồi phục quanh ngưỡng 60 USD/thùng vào đầu năm 2021. Khi chiến sự bùng phát tại Ukraine cuối tháng 2 vừa qua, giá dầu thế giới đã có lúc tăng lên trên 100 USD/thùng. Tổ chức nghiên cứu này dẫn đánh giá của giới phân tích quốc tế cảnh báo, giá dầu thế giới có thể nhảy vọt lên mức 200 USD/thùng nếu mất đi nguồn cung từ Nga.
Tờ Washington Post chỉ ra rằng việc áp giá trần phản ánh thực tế phương Tây vẫn cần có dầu mỏ của Nga và đang sử dụng mọi phương cách ngoại giao, kinh tế để có được nguồn cung này. Nhưng một khi các biện pháp áp đặt đơn phương vượt quá giới hạn, Nga sẽ có phản ứng đáp trả, không chỉ trên thị trường năng lượng mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác, kéo theo những hệ lụy khó lường/.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Nga khẳng định không xuất khẩu dầu mỏ dưới mức giá trần
10:39' - 05/12/2022
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 4/12 tuyên bố Nga sẽ không xuất khẩu dầu mỏ dưới mức giá trần, ngay cả khi nước này phải cắt giảm sản lượng.
-
Kinh tế Thế giới
Các nước EU phê chuẩn áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga
10:07' - 04/12/2022
Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 3/12 đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Hướng đi bền vững cho thị trường vốn châu Á
06:30' - 01/12/2024
Theo tờ The Straits Times, châu Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn, khi chuyển sang mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và Singapore có thể giúp thu hẹp khoảng cách này.
-
Phân tích - Dự báo
Nước Mỹ và tham vọng trở thành “siêu cường bitcoin của thế giới”
05:30' - 01/12/2024
Tại một hội nghị về bitcoin hồi mùa Hè vừa qua, ông Trump đã hứa sẽ thiết lập kho dự trữ chiến lược bitcoin sau khi đắc cử và xây dựng Mỹ thành “siêu cường bitcoin của thế giới”.
-
Phân tích - Dự báo
Tín hiệu mới cho khả năng tự cường năng lượng của quốc gia lớn nhất ASEAN
06:30' - 30/11/2024
Một trong những chương trình hành động hàng đầu của Tổng thống Indonesia là đạt được khả năng tự cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với những khó khăn về tiềm lực tài chính.
-
Phân tích - Dự báo
Tác động của khủng hoảng kinh tế Đức đối với tam giác công nghiệp châu Âu
05:30' - 30/11/2024
Nước Đức thời kỳ hậu Thủ tướng Angela Merkel đang gặp nhiều khó khăn và sẽ sớm phải tổ chức cuộc bầu cử mới. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hai quốc gia láng giềng Pháp và Italy.
-
Phân tích - Dự báo
Tương lai thị trường tài chính Mỹ: Lợi ích đi kèm rủi ro
06:30' - 29/11/2024
Do cách tiếp cận chính trị và kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump rất phi truyền thống, thị trường đang cố hấp thụ những khả năng có thể xảy ra từ quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.
-
Phân tích - Dự báo
"Trận cuồng phong" đang đến với ngành ô tô Đức
05:30' - 29/11/2024
Chỉ trong vòng một năm, tình hình ngành công nghiệp ô tô Đức đã quay ngoắt 180 độ, từ tâm lý lạc quan với lợi nhuận cao sang tới sự bi quan về triển vọng ảm đạm phía trước.
-
Phân tích - Dự báo
Giải mã việc đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
06:30' - 28/11/2024
Bộ trưởng Tài chính tương lai của Mỹ là cố vấn thân cận nhất của ông Donald Trump, nhờ việc bổ sung chiều sâu cho các đề xuất kinh tế và bảo vệ chính sách thương mại bảo hộ hơn của Tổng thống đắc cử.
-
Phân tích - Dự báo
Ngành hóa dầu Hàn Quốc bên bờ khủng hoảng
05:30' - 28/11/2024
Cạnh tranh từ Trung Quốc và Trung Đông đang khiến ngành hóa dầu Hàn Quốc lâm vào "thế khó", thể hiện qua hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hóa dầu lớn và giá cổ phiếu sụt giảm.
-
Phân tích - Dự báo
Những thách thức kinh tế đối với châu Âu
06:30' - 27/11/2024
Lạm phát của châu Âu vẫn ở mức cao, chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị cũng góp phần cản đà phục hồi tăng trưởng của khu vực.