Những “lá chắn thép” trong đại dịch COVID-19: Bài 3- Lặng thầm những chuyến xe vận chuyển

09:30' - 26/04/2020
BNEWS Là mắt xích không thể thiếu trong quy trình chống dịch COVID-19, Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh kiêm luôn vận chuyển người mắc bệnh và người nghi ngờ mắc bệnh đến các khu điều trị.

Là một mắt xích không thể thiếu trong toàn bộ quy trình chống dịch COVID-19, ngoài nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh, trong mùa dịch COVID-19, Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh kiêm luôn nhiệm vụ vận chuyển người mắc bệnh và người nghi ngờ mắc bệnh đến các khu điều trị.

Cường độ làm việc dày đặc không kể ngày đêm, di chuyển liên tục giữa nắng nóng suốt quãng đường dài, không được dừng lại để ăn uống, vệ sinh cá nhân…, do đó, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 được gọi là những “người vận chuyển” âm thầm trong đại dịch.

*Nhiệm vụ kép

Là đơn vị cấp cứu ngoại viện duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Cấp cứu 115 được giao nhiệm vụ thực hiện các cấp cứu ngoại viện, vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế.

Thế nhưng kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, đơn vị này được giao thêm nhiệm vụ mới: vận chuyển người bệnh mắc COVID-19 và các đối tượng nghi ngờ mắc bệnh đến các cơ sở y tế.

Bác sỹ Đỗ Ngọc Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, từ cuối tháng 12/2019, khi thông tin về một loại dịch bệnh mới nổi bắt đầu xuất hiện trên thế giới, Trung tâm Cấp cứu 115 đã lên kế hoạch ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. “Chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam lên kế hoạch ứng phó, bởi chúng tôi nhận thức được rằng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ cao và chúng tôi sẽ là những người đầu tiên tiếp cận người bệnh nên phải chuẩn bị từ sớm”, Bác sỹ Đỗ Ngọc Chánh cho hay.

Đúng như dự đoán, ngày 29 Tết, hai ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam lại rơi đúng vào địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đó, toàn bộ Trung tâm Cấp cứu 115 luôn đặt ở chế độ “báo động đỏ”, sẵn sàng “trực chiến”.

Bác sỹ Đào Thị Bích Hằng, Quyền trưởng Phòng điều hành, Trung tâm Cấp cứu 115 kể lại: Khoảng 10 giờ 30 ngày 26/1, tức ngày mùng 2 Tết, Tổng đài Cấp cứu 115 nhận được cuộc gọi của người dân về trường hợp khách du lịch ngất xỉu tại một quán cà phê trên địa bàn Quận 3, nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngay lập tức, một ê-kíp của Trung tâm Cấp cứu 115 trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cùng với xe cấp cứu đến hiện trường.

“Thú thật là thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn phải khai thác, điều tra dịch tễ qua điện thoại như thế nào nên khi nghe người dân gọi điện báo nghi là ca nhiễm virus mới, chúng tôi liền trang bị đầy đủ bảo hộ trước khi đến tiếp cận bệnh nhân”, Bác sỹ Hằng chia sẻ.

Sau khi ê-kíp cấp cứu đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới quay trở về, cả Trung tâm bắt đầu lo lắng. Chỉ đến khi các bác sỹ xác nhận, bệnh nhân không nhiễm virus SARS-CoV-2, toàn bộ ê-kíp trực mới hết lo.

Ca COVID-19 đầu tiên mà Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận, vận chuyển đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là trường hợp của bệnh nhân T.K.H (73 tuổi, quốc tịch Mỹ) phát bệnh trong thời gian lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn Quận 3.

Ngày 31/1, nhằm mùng 7 Tết, Trung tâm Cấp cứu 115 nhận được cuộc gọi từ một khách sạn, thông báo cho biết có một người đàn ông đến Việt Nam từ Mỹ (có quá cảnh tại sân bay Vũ Hán, Trung Quốc) có những biểu hiện bệnh.

Mặc dù thời điểm đó, Việt Nam mới ghi nhận hai ca mắc COVID-19 là hai cha con ông Li Ding và anh Li Zhichao (người Trung Quốc), bằng sự nhạy bén, phán đoán chính xác, nhân viên trực Tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115 đã nhận định đây có thể là bệnh nhân thứ 3 mắc bệnh tại Việt Nam.

Theo đó, chỉ 5 phút sau, một ê-kíp với đầy đủ trang bị bảo hộ đã lên đường. Ngay sau đó, người bệnh này được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới xác định dương tính với chủng mới của virus Corona. “May mắn, ê-kíp cấp cứu đã phản ứng kịp thời, đưa được bệnh nhân đi cách ly, điều trị và không lây lan ra cộng đồng", bác sỹ Đỗ Ngọc Chánh cho biết.

Cũng từ đây, quãng thời gian đi về như con thoi, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chống dịch của toàn bộ nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 bắt đầu.

* Nỗi niềm “người vận chuyển”

12 giờ, sau khi hoàn thành xong một chuyến xe chở người nghi mắc đến Khu cách ly Củ Chi trở về, anh Võ Lâm Khôi Nguyên vội khử khuẩn xe, vệ sinh cá nhân và trở về phòng dành riêng cho tài xế ăn.

Hộp cơm nhờ đồng nghiệp mua giùm đã nguội ngắt, anh Nguyên nuốt vội. “Phải ăn nhanh để nếu lỡ có cuộc gọi khẩn còn kịp lên đường”. Lời chưa kịp dứt, lệnh điều động xe đã được Trung tâm Điều hành đưa ra, thêm một ca nghi ngờ mắc mới ghi nhận ở quận Tân Bình, cần vận chuyển đến Khu cách ly Củ Chi.

Ngay khi nhận lệnh, cùng với một điều dưỡng khác, mặc bộ đồ bảo hộ lên người, anh Nguyên bước ra xe. Chỉ 1 phút sau, tiếng còi hú của xe cấp cứu đã vang lên, chiếc xe lao nhanh trên đường.

23 giờ, số điện thoại Tổng đài 115 vẫn reo vang liên tục không ngừng. Một cuộc điện thoại đặc biệt ở đường dây số 2 thông báo, cần một xe cấp cứu đưa bệnh nhân mắc COVID-19 từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chuyển đến Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ.

Nhận lệnh, một ê-kip gồm một tài xế, một điều dưỡng lại lên đường. Quá trình vận chuyển hoàn tất, quay trở về Trung tâm, khử khuẩn toàn bộ phương tiện, đồng hồ đã chỉ 5 giờ ngày hôm sau. Một ngày mới lại bắt đầu. Một đêm không ngủ.

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, hàng trăm chuyến xe như thế đã được đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên lái xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với nhiệm vụ đưa người nhiễm, người nghi ngờ đến nơi điều trị an toàn bất kể ngày hay đêm. Chỉ cần một thông báo, họ lập tức lên đường.

Gần 30 năm gắn bó tại Trung tâm Cấp cứu 115, anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội xe chưa bao giờ chứng kiến khoảng thời gian xuất xe dồn dập như thời gian qua. Anh cho biết: “Tôi trải qua nhiều đợt dịch bệnh nhưng đây là khoảng thời gian căng thẳng nhất, đặc biệt thời điểm thành phố đón người nhập cảnh từ nước ngoài về, mỗi ngày có khi chúng tôi phải vận chuyển đến 7-8 ca bệnh hoặc ca nghi ngờ đi đến các khu cách ly điều trị, chưa kể hàng chục chuyến xe cấp cứu cứu thông thường khác”.

Kể về gian nan vất vả của đội ngũ lái xe cấp cứu 115 trong mùa dịch, anh Việt cho biết do các khu điều trị COVID-19 đều đặt ở xa, mỗi chuyến vận chuyển người bệnh thường kéo dài 5-6 tiếng cả đi lẫn về. “Nguyên tắc của người vận chuyển dịch bệnh là không được ngừng nghỉ dọc đường, phải đến khi hoàn thành nhiệm vụ mới được cởi đồ bảo hộ, ăn uống, vệ sinh cá nhân… Thế là, mọi nhu cầu cá nhân trong suốt hành trình vận chuyển, chúng tôi đành cố nhịn”, anh Việt kể.

Tài xế Võ Lâm Khôi Nguyên, người tham gia vận chuyển gần 20 trường hợp mắc và nghi mắc COVID-19 trong mùa dịch lại bị ám ảnh bởi những bộ đồ bảo hộ. Anh chia sẻ, giữa thời tiết nắng nóng, ngồi trong cabin, xe không bật máy lạnh và còn mặc thêm bộ đồ bảo hộ, đúng là "cực hình".

Suốt quá trình vận chuyển phải mặc đồ bảo hộ, khẩu trang kín mít khiến mồ hôi tuôn ra như tắm, ướt hết cả mấy lớp áo.

Thế mà trong đợt cao điểm vừa qua, có những ngày, anh phải chạy đi chạy về mấy chuyến liên tục. “Có hôm phải chở bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới lên Củ Chi 2 – 3 lần, thành ra suốt ca trực cứ chạy suốt trên đường, không kịp ăn uống, không kịp vệ sinh cá nhân”, anh Nguyên cho hay.

Câu chuyện với chúng tôi còn dang dở,  từ Trung tâm điều hành báo xuống, có thêm một ca cấp cứu cần trợ giúp y tế, chuông báo động reo vang.

Anh Nguyên bật dậy, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết, bước ra xe. Đồng đội đã chờ anh sẵn. Tiếng còi hụ từ xe cấp cứu inh ỏi rồi tắt hẳn khi chiếc xe khuất bóng. Họ lại lên đường./. ( Còn tiếp)

Bài cuối: “Biệt đội” truy tìm virus SAR-CoV-2  - TTXVN  26/4

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục