Những “lá chắn thép” trong đại dịch: Bài 1-Hơn 90 ngày đêm “chống dịch như chống giặc”

09:47' - 25/04/2020
BNEWS Hơn 90 ngày "cân não" với đại dịch COVID-19 cũng là ngần ấy thời gian những cán bộ y tế dự phòng, cấp cứu 115, kỹ thuật viên xét nghiệm… ở Thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước khi kết thúc giai đoạn 2 với 54 trường hợp. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ngành Y tế và sự chung tay từ cộng đồng, dịch COVID-19 đã được chặn đứng khi 17 ngày liên tiếp thành phố không ghi nhận ca mắc mới. Hơn 90 ngày cân não với đại dịch COVID-19 cũng là ngần ấy thời gian những cán bộ y tế dự phòng, cấp cứu 115, kỹ thuật viên xét nghiệm… căng mình chống dịch.

Để ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế dự phòng, cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19, phóng viên TTXVN thực hiện 4 bài viết về những “lá chắn thép” - những người “đi trước về sau” trong cuộc chiến với "giặc" vô hình đang hoành hành. Chùm bài viết được phát trong hai ngày 25-26/4.

Bài 1: Hơn 90 ngày đêm “chống dịch như chống giặc”

Là cơ quan đầu não được giao nhiệm vụ hạn chế ở mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, hơn 90 ngày qua, nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã có mặt ở hầu khắp các mặt trận chống dịch. Từ điều tra xử lý ổ dịch đến quản lý các khu cách ly, từ chốt kiểm dịch đến việc giám sát doanh nghiệp tuân thủ quy định phòng dịch…, những việc làm âm thầm này đã góp phần chặn đứng sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

* Bước vào cuộc chiến

“Ngày 23/1 - ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tôi tranh thủ mua sắm những thứ cần thiết cho cái Tết đầm ấm của gia đình. Thế nhưng, khoảng 15 giờ, thông tin từ Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) về hai ca bệnh nghi ngờ nhiễm chủng mới của virus Corona khiến cho bao dự định đón Tết của tôi tan biến. Gửi con cho nhà ngoại, tôi lên đường điều tra dịch tễ ca bệnh". 

Đây là tâm sự của bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh về ngày đầu tiên chị bắt đầu đương đầu với dịch COVID-19. Từ đó đến nay, 3 tháng ròng rã, chị cùng các đồng nghiệp không có một ngày ngơi nghỉ bởi dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) - cơ quan đầu não kiểm soát và xử lý y tế công cộng của Thành phố Hồ Chí Minh luôn sáng đèn. Ba tháng qua, hơn 300 con người ở đây miệt mài với công việc bất kể ngày đêm.

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước khi dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, Trung tâm đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng dịch đến từng quận, huyện, huy động toàn bộ nhân lực trong khối y tế dự phòng để phòng dịch.

Trong đó, Trung tâm vừa thực hiện công tác chuyên môn, vừa hỗ trợ các quận, huyện điều tra, giám sát trường hợp tiếp xúc, khoanh vùng dập dịch; cập nhật số liệu liên tục để báo cáo lãnh đạo thành phố, quan trọng hơn là cung cấp thông tin tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng về dịch bệnh nguy hiểm này. 

Từ đó, hàng loạt đội, nhóm phản ứng nhanh ra đời nhằm thích ứng với từng giai đoạn của dịch bệnh. Trong đó có thể kể đến như nhóm phụ trách vận chuyển, nhóm phụ trách điều tra giám sát dịch tễ, nhóm phụ trách khu cách ly, nhóm phụ trách chốt kiểm dịch, nhóm phụ trách giám sát doanh nghiệp, nhóm phụ trách lấy mẫu tại sân bay, nhà ga, khu lưu trú công nhân…

Bác sỹ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chia sẻ, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp với nhiều thay đổi đột ngột đòi hỏi phải liên tục ứng phó. Ngoài những công việc quen thuộc như điều tra cộng đồng, điều tra ca bệnh,  cán bộ của Trung tâm cũng dần dần phát sinh công việc mới như tổ chức cách ly, tiếp nhận người từ vùng dịch, phân luồng số lượng lớn người nghi ngờ mắc bệnh…

Cao điểm nhất là thời điểm thành phố bắt đầu tiếp nhận người nhập cảnh với số lượng lớn. Lúc đó, khối lượng công việc phải xử lý, vấn đề phát sinh cần giải quyết vô cùng lớn. “Chưa bao giờ chúng tôi thực hiện cùng lúc nhiều công việc với quy mô, số lượng lớn như vậy. Chúng tôi phải dồn toàn lực để làm việc không kể ngày đêm. Có những người mấy ngày liền không được nghỉ ngơi, về nhà”, bác sỹ Phan Thanh Tâm cho hay.

Theo các bác sỹ, có lẽ nguy hiểm và vất vả nhất phải kể đến công việc kiểm tra sức khỏe người ra vào thành phố tại những chốt kiểm dịch cửa ngõ. Vừa hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm ở sân bay Tân Sơn Nhất, chưa kịp nghỉ ngơi, điều dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lại được phân công có mặt tại chốt kiểm dịch dưới chân cầu Đồng Nai để đo thân nhiệt cho người đi đường. Đây là 1/62 chốt kiểm dịch y tế do UBND Thành phố Hồ Chí Minh lập ra nhằm giám sát sức khỏe người ra vào thành phố.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít cộng với cái nắng chang chang, mồ hôi tuôn ra, chị Diệu và các đồng đội vẫn cần mẫn thực hiện nhiệm vụ của mình. Hết lượt xe này đến lượt xe khác, tất cả đều phải kiểm tra thân nhiệt đầy đủ mới được đi vào thành phố. “Mặc đồ bảo hộ nóng lắm, xe cộ qua lại nhiều đôi khi cũng sợ xe tông vào mình nhưng vì nhiệm vụ, vì bình yên của người dân thành phố, mình vẫn phải cố gắng hoàn thành”, chị Diệu chia sẻ.

* Trắng đêm ở các khu cách ly “thần tốc”

“Thần tốc” là từ được bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố mô tả khi nói về việc thành lập các khu cách ly tập trung của Thành phố Hồ Chí Minh. “15 giờ ngày 18/3, chúng tôi nhận được lệnh chuẩn bị khu cách ly tập trung để tối hôm đó đón gần 1.000 người từ nước ngoài về. Ngay lập tức, tôi cùng các anh em có mặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai công việc”, bác sỹ Thành nhớ lại.

Có mặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng, bác sỹ Thành khá bất ngờ bởi mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Tuy nhiên, với sự phối hợp nhịp nhàng của Bộ Tư lệnh thành phố, lực lượng tại chỗ của địa phương, chỉ trong vòng ít giờ, công tác dọn dẹp vệ sinh, cung cấp nhu yếu phẩm như chăn, màn, chiếu, gối… phục vụ nhu cầu tối thiểu trong khu cách ly đã được hoàn tất.

Đến tối 18/3, hơn 800 người nhập cảnh được đưa đến khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng. Toàn bộ công tác tiếp nhận, khám sàng lọc, phân luồng, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho hơn 800 người nhập cảnh kết thúc, đồng hồ đã chỉ 3 giờ. “Chúng tôi không hề có sự chuẩn bị nào trước và đến lúc đó không suy nghĩ gì hết, nhận nhiệm vụ và làm thôi”, bác sỹ Thành chia sẻ.

Sang ngày thứ 2, Khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lại được huy động thành lập. Cứ thế, liên tục và dồn dập, chỉ trong mấy ngày, hai khu cách ly này đã tiếp nhận gần 11.000 người nhập cảnh. Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành cho hay: "Người nhập cảnh được đưa đến bất kể giờ giấc, có khi 1-2 giờ vẫn còn xếp hàng dài và nhân viên chúng tôi cũng gần như trắng đêm.

Chỉ sau mấy ngày, toàn bộ đội ngũ phục vụ khu cách ly từ dân quân tự vệ đến nhân viên y tế đều bị quá tải do có vô số thứ phát sinh phải giải quyết, anh em gần như bị vắt kiệt sức. Chúng tôi phải  xin Sở Y tế chi viện nhân sự”. Sau này, với sự chi viện nhân sự từ các bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Da liễu và các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn, công việc của các nhân viên y tế trong khu cách ly được giảm bớt phần nào.

Trong những ngày vận hành khu cách ly tập trung, bác sỹ Thành và nhân viên y tế ở đây gặp vô vàn áp lực. Ngoài các vấn đề phát sinh có lẽ, áp lực lớn nhất là nỗi lo xuất hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khu cách ly, bởi chỉ cần một ca dương tính, nguy cơ lây lan cho hàng ngàn người.

Vì thế, mỗi ngày 2 lần, nhân viên y tế phải tuân thủ quy trình kiểm tra, theo dõi sức khỏe của người cách ly. Bao nhiêu người cách ly là bấy nhiêu lần nhân viên y tế phải đến tận phòng để kiểm tra, giám sát, đồng thời hướng dẫn tự theo dõi lẫn nhau. Rất may, quá trình cách ly không xuất hiện tình huống lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.

Sau mỗi một đợt tiếp nhận người nhập cảnh hay một ca trực, nhân viên y tế gần như ngã quỵ, có em không kịp cởi đồ bảo hộ, cứ thế ngủ ngay trên tấm bìa giấy lót tạm dưới sàn nhà. Vất vả như vậy, nhưng không ai rời bỏ nhiệm vụ, giữ vững trận địa cho đến ngày cuối cùng. Các em thật sự là những chiến binh, bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành chia sẻ cảm xúc về những “chiến binh thầm lặng” của mình./.

Bài 2: Những người đi trước về sau

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục