Những lợi ích khi đấu thầu tập trung vật tư y tế

18:38' - 08/01/2018
BNEWS Năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức đầu thấu tập trung cấp quốc gia đối với 20 mặt hàng thuốc, tiết kiệm 251 tỷ đồng so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước...

Cái kim tiêm, giá trị rất nhỏ nhưng lượng sử dụng lớn thì chi phí cũng sẽ rất lớn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói như vậy khi đề cập đến việc đấu thầu vật tư y tế tập trung cấp quốc gia, tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam gần đây.

Cán bộ giám định BHYT giám sát chỉ định thuốc, chỉ định cận lâm sàng cho các bệnh án tại Trung tâm Y tế thành phố Peiku (Gia Lai). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Những gợi mở của Phó Thủ tướng đã tạo đà để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu một số vật tư y tế có tỷ trọng chi lớn, dải giá rộng, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đấu thầu nhiều mặt hàng thuốc, biệt dược.

* Đấu thầu nhiều vật tư y tế

Năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức đầu thấu tập trung cấp quốc gia đối với 20 mặt hàng thuốc, tiết kiệm 251 tỷ đồng so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước, tương đương 21,12% so với giá kế hoạch.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc đấu thầu tập trung không chỉ kéo được giá thuốc xuống mà còn kéo được chỉ số CPI, kéo phần chi tiêu của quỹ bảo hiểm y tế và phần đồng chi trả của người dân xuống, lợi ích cho cả vĩ mô và vi mô, cho cả nhà nước và người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc đấu thầu tập trung tại Bảo hiểm xã hội; đồng thời nghiên cứu mở thêm kênh đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để tạo sự minh bạch. Bộ Y tế đẩy mạnh không chỉ đấu thầu thuốc, mà còn đàm phán giá thuốc, quản lý chặt chẽ chất lượng và giá bán lẻ thuốc ở các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là với những loại biệt dược đã có generic thay thế. “Không có lý do gì để độc quyền mãi chuyện này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động đề xuất danh mục 9 hoạt chất, 20 thuốc sẽ đấu thầu tập trung, là những thuốc và hoạt chất có số lượng sử dụng lớn, có nhiều số đăng ký, ở nhiều nhóm khác nhau và nhiều mức giá.

Trong đó, nhóm điều trị kháng sinh khoảng 16 thuốc, 2 thuốc tiểu đường và 2 thuốc tiêu hóa. Cơ quan Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế đang cùng bàn về danh mục, nhưng sẽ không mở rộng quá nhanh để đảm bảo khả năng cung ứng.

Với những kết quả đạt được trong việc đấu thầu thuốc tập trung vừa qua, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đầu thầu tập trung đối với một số vật tư y tế có tỷ trọng sử dụng lớn và nhiều mức giá trong năm 2018.

Các vật tư y tế được ông Phạm Lương Sơn đưa ra là vật tư thay thế trong can thiệp tim mạch như stent, bóng, van tim; khớp gối, khớp háng và thủy tinh thể nhân tạo. Những kiến nghị này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

“Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền để tổ chức đấu thầu tập trung một số vật tư y tế có tỷ trọng chi phí lớn, tần suất sử dụng nhiều, có nhiều mức giá khác nhau”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng các vật tư y tế có chi phí lớn không có nghĩa là giá trị lớn, có thể là một thứ rất nhỏ nhưng toàn hệ thống dùng rất nhiều, gom lại sẽ nhiều. “Một cái kim tiêm thôi, nhưng một năm dùng biết bao nhiêu. Chúng ta cũng nên tập trung làm một số vật tư này, cố gắng năm 2018 kéo giảm chi phí thấp hơn nữa”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

* Dải giá rộng

Lý giải về việc lựa chọn các vật tư y tế để tổ chức đấu thầu trong năm 2018, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược - Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết cùng một loại stent dùng cho người bệnh mạch vành của Ấn Độ, giá đấu thầu chung của các tỉnh, thành phố là 37 triệu đồng, nhưng giá ở Thanh Hóa lại là 57 triệu đồng. Mặt hàng khớp háng, có địa phương mua tới 150 triệu đồng, trong khi có nơi mua cùng loại khớp háng đó chỉ 58 triệu đồng.

Năm 2017, quỹ Bảo hiểm y tế đã chi 650 tỷ đồng mua thủy tinh thể nhân tạo, 600 tỷ đồng cho stent mạch vành, 400 tỷ đồng cho khớp gối, khớp háng nhân tạo và một vật tư khác cũng có lượng sử dụng nhiều dù ít ai để ý là kim luồn, chi phí một năm cũng lên tới 150 tỷ đồng. Nếu tổ chức đấu thầu tập trung, chi phí vật tư sẽ giảm đáng kể, người bệnh và quỹ Bảo hiểm y tế đều được lợi, ông Tỉnh cho hay.

Còn theo ông Phạm Lương Sơn, thủy tinh thể nhân tạo loại mềm có dải giá từ 2,3 triệu đồng đến 19 triệu đồng. Thông tư 35 của Bộ Y tế đã đưa ra giá trần của thủy tinh thể nhân tạo là 3,3 triệu đồng, đây là mức hoàn toàn có thể đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật. Việc đấu thầu tập trung sẽ khắc phục câu chuyện mỗi nơi một giá.

Ví dụ tiếp theo ông Phạm Lương Sơn đưa ra là stent động mạch vành có các mức giá 16 triệu đồng, 25 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng nếu là stent sinh học. “Dải giá rộng thế nên phải khu trú nó lại mức trần bao nhiêu thì đáp ứng tiêu chí kỹ thuật”, ông Phạm Lương Sơn cho hay. Theo ông, tiêu chí kỹ thuật này là do các chuyên gia đầu ngành thuộc hội đồng chuyên môn định ra. Vì dải giá rộng, nếu không đấu thầu tập trung mà đấu thầu theo từng tỉnh, giá sẽ không thống nhất. Đối với thuốc, giá không thống nhất thì chỉ chênh lệch ít, nhưng đối với vật tư y tế, chênh lệch rất lớn, số lượng lớn và tiền chi bất hợp lý rất nhiều.

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, trong khi ta chưa có loại hình bảo hiểm y tế bổ sung, những người nào có nhu cầu cao, sử dụng giường dịch vụ, vật tư thay thế đắt tiền, thuốc đắt tiền, vượt quá quy định thì phải tự chi trả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục