Những “ngư ông đắc lợi” trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

16:08' - 06/04/2018
BNEWS Những đối tượng cũng được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là những nước đang phát triển có thể thế chân Trung Quốc trở thành các nhà cung cấp cho thị trường Mỹ...
Những “ngư ông đắc lợi” trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: GETTY IMAGES/ TTXVN

Trong khi nông dân trồng đậu tương của Mỹ đang lo ngại trước những mức thuế mà Trung Quốc đe dọa sẽ đánh vào hàng nhập khẩu từ Mỹ, thì những đối thủ của họ ở Brazil và Argentina, cũng như các nhà chế tạo máy bay ở châu Âu và sản xuất rượu whiskey của Nhật Bản sẽ là những đối tượng có thể được hưởng lợi từ quyết định này của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã lựa chọn những mặt hàng mà nước này có thể nhập khẩu từ những nơi khác để đưa vào danh sách hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD có nguy cơ bị đánh thuế trả đũa, trong đó có đậu tương và máy bay cỡ nhỏ.

Chuyên gia kinh tế Lu Feng của Đại học Bắc Kinh, so với danh sách các mặt hàng Trung Quốc “dính” thuế của Mỹ vốn chủ yếu tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao, thì danh sách của Trung Quốc đa dạng hơn, và tác động của các mức thuế trừng phạt của Mỹ đối với kinh tế nước này nói chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Dù các nhà nhập khẩu của Trung Quốc hiện vẫn đang mua một lượng lớn đậu tương và các mặt hàng khác của Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc tìm nguồn hàng thay thế, thì chính trình trạng thiếu hụt này sẽ tạo cơ hội kinh doanh cho các đối thủ của Mỹ.

Nông dân trồng đậu tương của Mỹ có thể là "nạn nhân" bị thiệt hại nhiều nhất từ các mức thuế trả đũa của Bắc Kinh.

Trung Quốc chiếm gần 60% lượng đậu tương xuất khẩu của Mỹ, đem lại nguồn doanh thu trị giá 12,4 tỷ USD trong 12 tháng kết thúc vào ngày 31/8/2017. Trước tình hình đó, nông dân ở Brazil, Argentina và Australia có thể chớp lấy cơ hội này để cung cấp cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, mức thuế 25% đánh vào các mặt hàng thuốc lá, whiskey và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ có thể khiến các nguồn hàng từ châu Âu, Nga, Nhật Bản và những nước khác trở nên hấp dẫn hơn, trong khi giá máy bay cỡ nhỏ và các mặt hàng công nghệ hàng không của Mỹ gia tăng do thuế cũng sẽ giúp các đối thủ ở Pháp và Đức có cơ hội mở rộng thị phần.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến hàng không của Mỹ sang Trung Quốc đạt 13,2 tỷ USD, chiếm 58% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc.

Những đối tượng khác cũng được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là những nước đang phát triển có thể thế chân Trung Quốc trở thành các nhà cung cấp cho thị trường Mỹ, theo chuyên gia William Jackson của Capital Economics.

Mexico sản xuất nhiều sản phẩm có tên trong danh sách các mặt hàng của Trung Quốc có thể bị áp thuế trừng phạt của Mỹ, như TV và mạch điện, trong khi Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan cũng xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn và những sản phẩm công nghệ khác.

Trước đó ngày 3/4, Mỹ đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do "các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép các công ty và doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ".

Sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp đáp trả tương tự, Tổng thống D.Trump cho rằng Bắc Kinh "thay vì sửa chữa cách hành xử sai của họ lại lựa chọn gây tổn hại cho các nông dân và nhà sản xuất của Mỹ", do đó ông đã chỉ thị các quan chức thương mại Mỹ cân nhắc xem liệu việc tăng gấp đôi giá trị các hàng hóa Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế bổ sung (lên 100 tỷ USD) có phù hợp hay không.

Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội đầu tiên giải quyết những bất đồng sâu sắc về thương mại song phương bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến diễn ra tại Washington từ ngày 20 đến 22/4 tới. Tuy nhiên, cho đến nay cả hai nước đều chưa có kế hoạch cho bất cứ cuộc gặp nào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục