Những người đón giao thừa lặng lẽ

08:57' - 08/02/2016
BNEWS Trong thời khắc giao thừa, vẫn có những người lặng lẽ làm công việc quen thuộc của mình dưới ánh sáng rực rỡ của những chùm pháo hoa để mang lại cho mọi người một cái Tết trọn vẹn, an toàn.
Những người công nhân vệ sinh cần mẫn quét dọn đường phố đêm giao thừa ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm- Hà Nội. Ảnh: Lê Trí

Trong đêm giao thừa, vẫn có những người lặng lẽ làm công việc quen thuộc của mình dưới ánh sáng rực rỡ của những chùm pháo hoa trong thời khắc giao thừa, để mang lại cho mọi người một cái Tết trọn vẹn, an toàn.

Cần mẫn đưa từng dường chổi, anh Tăng Mạnh Hùng, công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự:

“Năm đầu tiên đón giao thừa ngoài đường còn cảm thấy ngậm ngùi, giờ thì quen rồi, nên nhiều khi thấy đó là việc đương nhiên. Nhưng mình là đàn ông còn đỡ chứ phụ nữ thì quả thật là ái ngại”.

Thế nhưng với một người có thâm niên đón 27 đêm giao thừa ngoài đường như chị Mai Thị Phượng, công nhân Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích quận 1 thì chỉ đơn giản là: “Riết rồi cũng thấy vui”.

Chị Phượng cho biết, bình thường ca làm việc của các chị bắt đầu từ 3 giờ chiều đến 1 giờ sáng, còn riêng trong ngày giao thừa, ca trực được bắt đầu từ 11 giờ trưa đến khi nào sạch rác thì được nghỉ, thường là đến 4 giờ sáng mùng Một Tết.

“Những năm đầu con nhỏ, tôi phải sắp đồ cúng từ sáng để ông xã ở nhà cúng giao thừa. Bây giờ con lớn rồi, chuyện mẹ vắng nhà đêm giao thừa cũng quá quen thuộc nên các cháu tự sắp đồ cúng. Công nhân vệ sinh ai chả đón giao thừa ngoài đường”, chị Phượng chia sẻ.

Nói vậy nhưng nhìn nét mặt của chị vẫn ánh lên một thoáng ngậm ngùi. Chị Phượng chia sẻ: “Nghề nào nghiệp đó, chúng tôi vẫn bảo nhau cùng cố gắng để sáng mùng Một cả thành phố được sạch sẽ, phong quang. Âu cũng là niềm vui cái nghề này mang lại. Chỉ mong mọi người có ý thức hơn nữa để công việc của chúng tôi đỡ phần vất vả”.

Cũng có “thâm niên” gần chục cái Tết đón giao thừa trên phố, Đại úy Nguyễn Minh Hoài (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đã có 16 năm công tác) cũng đã quen dần cảm giác không biết đón giao thừa ở nhà thế nào, trái lại luôn cảm thấy tự hào khi thực thi nhiệm vụ trong đêm giao thừa.

Theo Đại úy Nguyễn Minh Hoài, với cán bộ chiến sĩ công an, việc làm nhiệm vụ những dịp lễ, dịp Tết là chuyện bình thường.

Đại úy Nguyễn Minh Hoài tâm sự: Đi làm đêm giao thừa, cảm xúc khó quên nhất là khi, cùng người dân thành phố ngắm pháo hoa. “Lúc đó, thấy niềm vui trên từng khuôn mặt, tôi nghĩ đến gia đình, và cũng thầm cầu mong sức khỏe, may mắn đến với gia đình mình” – Anh Hoài chia sẻ.

Anh Hoài hiện có hai con nhỏ mới chỉ 6 tuổi và 3 tuổi. Đặc biệt cậu con trai 6 tuổi, rất hay hỏi mẹ rằng bố đi đâu mà tối không ăn cơm cùng cả nhà. Lúc đó, vợ anh thường nói, “Ba Hoài đi bảo vệ mọi người để mọi người đón giao thừa an toàn”, thì ánh mắt thằng bé lại sáng lên.

Để góp phần làm vơi đi nỗi buồn của anh em, trước khi tham gia trực, vào 7 giờ tối giao thừa, Ban Chỉ huy đơn vị có tổ chức một buổi liên hoan “cây nhà lá vườn” để anh em cán bộ chiến sĩ có những giờ phút vui vẻ. Nhìn những chiến sĩ ca hát, tinh thần đầy lạc quan, Đại úy Nguyễn Minh Hoài và các đồng đội của mình đã xem đơn vị như một gia đình lớn.

Có mặt tại cảng Cát Lái (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) trước thời khắc chuẩn bị đón giao thừa, chúng tôi cảm thấy không khí làm việc vẫn diễn ra rất tất bật. Theo lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, công việc tại cảng không bao giờ ngừng nghỉ, luôn phải đảm bảo đúng tiến độ vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa.

Anh Nguyễn Ngọc Năm (Đội cơ giới số 4 – Xí nghiệp cơ giới Tân Cảng) cho biết, đây là năm thứ 3 anh đón giao thừa tại cảng, công việc vẫn không khác gì so với ngày thường. Dù là thời điểm nào, ca trực, kíp trực đó luôn phải đảm bảo công việc, đảm bảo tiến độ, đảm bảo an toàn công tác.

Để động viên tinh thần làm việc của anh em công nhân, Ban Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức một buổi tiệc nhỏ cho anh em đại diện các đơn vị công tác tại cảng vào đêm giao thừa.

Hy sinh niềm vui riêng của mình để góp phần tạo nên niềm vui cho mọi người trong đêm giao thừa, những người công nhân, chiến sỹ công an, những con người vẫn đang cần mẫn, lặng lẽ làm việc trong đêm giao thừa.

Với họ, niềm vui của mình chính là đã đem lại niềm vui chung của mọi người dân thành phố có một cái Tết an lành, vui tươi, sạch đẹp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục