Những sai lầm tai hại khi xử lý côn trùng bay vào miệng trẻ

18:42' - 08/06/2017
BNEWS Khi trẻ có các dấu hiệu ho dữ dội, tím tái, ho kèm chảy nước mắt nước mũi, khó thở… phụ huynh cần nghĩ ngay đến trường hợp trẻ bị dị vật rơi vào đường thở và cần cấp cứu kịp thời.

Bị một con bọ cánh cứng rơi vào đường thở, một bé trai may mắn thoát chết khi được cấp cứu kịp thời. Thông tin được bác sỹ Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp chiều 8/6.

Theo bác sỹ Nguyễn Thế Huy, ngày 2/6, bé Nguyễn Văn Chí Thành, 8 tháng tuổi sống tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Cần Thơ lên Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng có một dị vật trong đường thở, bệnh nhi suy hô hấp nặng, đã được đặt nội khí quản.

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Hồng Giao (mẹ bệnh nhi), buổi sáng cùng ngày hai mẹ con chị đang chơi trong nhà thì có một con bọ cánh cứng (người dân thường gọi là con quýt) bay vào miệng cháu bé. “Theo phản xạ tôi lấy tay móc con bọ ra nhưng không ngờ càng móc thì con bọ càng rớt xuống sâu hơn, khi thấy con có dấu hiệu tím tái, khó thở, tôi sợ quá đưa con đi cấp cứu liền”, chị Giao cho biết.

Qua siêu âm, các bác sỹ nhận thấy con bọ có kích thước 1,5 x 2 cm trong đường thở khiến khí quản của bệnh nhi bị phù nề, niêm mạc xấu, suy hô hấp nặng. “Có thể lúc mới rơi vào con côn trùng còn sống nên cựa quậy, cắn, gây tổn thương đường thở. Sau khi con bọ chết đã tiết ra dịch chất giống như axit khiến niêm mạc bệnh nhi bị bỏng, phù nề, bị bở nát”, bác sỹ Nguyễn Thế Huy phân tích.

Ngay lập tức các bác sỹ khoa Tai mũi họng đã tiến hành gắp dị vật ra khỏi đường thở của bệnh nhi. Nhưng do xác con côn trùng đã bắt đầu bị mủn xốp nên các bác sỹ chỉ gắp được một nửa xác côn trùng. Phải qua 3 ngày sau khi tình trạng bệnh nhi đã ổn định các bác sỹ mới tiến hành gắp lần hai.

Sau khi lấy hết dị vật, phổi của bệnh nhi đã trở lại bình thường, hiện bệnh nhi đang được tiếp tục điều trị nội khoa bằng kháng sinh và có thể sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Liên quan đến xử lý sự cố côn trùng rơi vào miệng trẻ, bác sỹ Nguyễn Thế Huy cảnh báo: “Sai lầm của phụ huynh là thường lấy tay móc dị vật ra, nhưng điều này vô tình khiến cho dị vật càng rơi sâu vào phía trong và trong trường hợp này khiến cho dị vật rơi vào thanh quản khiến bé có nguy cơ ngưng thở và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời”.

Khi có bất kỳ dị vật nào rơi vào miệng trẻ phụ huynh cần ngay lập tức vỗ lưng, ấn ngực để tạo lực đẩy đẩy dị vật ra ngoài. Khi trẻ có các dấu hiệu ho dữ dội, tím tái, ho kèm chảy nước mắt nước mũi, khó thở… phụ huynh cần nghĩ ngay đến trường hợp trẻ bị dị vật rơi vào đường thở và cần cấp cứu kịp thời./.

>> Cảnh báo gia tăng bệnh lõm ngực ở trẻ em

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục